Cà Ná - Ninh Thuận sẽ có nhà máy thép nhưng chưa biết chủ đầu tư là ai?
Bộ Công Thương cho biết, sau khi lấy ý kiến một số bộ ngành, đơn vị có liên quan, tiếp thu và chỉnh sửa, Bộ Công Thương giới thiệu toàn văn dự thảo lần 2 quyết định này để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo người dân trong và ngoài nước để tiếp tục chỉnh sửa và hoàn chỉnh.
Đặc biệt, danh mục các dự án trong quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 có tên Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná – Ninh Thuận, Thép Dung Quất – Quảng Ngãi, Thép Nghi Sơn – Thanh Hóa. Giai đoạn 1 của các dự án này sẽ được thực hiện từ 2016-2020. Các giai đoạn tiếp theo sẽ thực hiện đến năm 2025-2031.
Riêng dự án thép Cà Ná – Ninh Thuận sẽ thực hiện 3 giai đoạn với tổng công suất thiết kế 32 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, trong dự thảo lần này, Bộ Công Thương không đưa tên chủ đầu tư gắn với các dự án vào danh mục như dự thảo lần 1. Trong dự thảo lần 1, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (Mã CK:HSG) là chủ đầu tư dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận.
Theo bản dự thảo, Bộ Công Thương đưa ra quan điểm quy hoạch hệ thống sản xuất thép là quy hoạch “mềm” có tính chất định hướng và phải phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường, đảm bảo huy động hợp lý có hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế.
Dự thảo đưa ra mục tiêu tổng quát phát triển ngành thép bền vững trên cơ sở tận dụng các lợi thế cạnh tranh và đảm bảo thân thiện với môi trường.
Mục tiêu cụ thể, sản lượng dự kiến đối với ngành sản xuất gang và sắt xốp: Năm 2020 sản xuất 21 triệu tấn; năm 2025 đạt 46 triệu tấn; năm 2035 đạt 55 triệu tấn gang và sắt xốp.
Đối với sản xuất phôi thép: Năm 2020 sản xuất đạt 32,3 triệu tấn; năm 2025 đạt 57,3 triệu tấn; năm 2035 đạt 66,3 triệu tấn phôi thép. Phấn đấu tỉ lệ phôi sản xuất từ gang theo công nghệ lò cao/sắt xốp năm 2020 đạt 65%, năm 2025 đạt 80% và năm 2035 đạt 83%.
Định hướng phát triển về sản xuất gang và sắt xốp, phôi thép: Đầu tư xây dựng các khu liên hợp luyện thép khép kín bằng nguồn quặng sắt trong nước và nhập khẩu; cải tạo, nâng cấp lò điện hiện có để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước.
Về chủng loại sản phẩm: Cân đối giữa phôi vuông và phôi dẹt để sản xuất các loại thép trong nước (trừ thép hợp kim).
Về công nghệ và thiết bị: Sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng hiệu quả và thân thiện môi trường; đối với dự án ở quy mô nhỏ, có giải pháp cải tiến công nghệ nâng cao hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường.
Về phát triển theo vùng lãnh thổ: Ưu tiên phát triển sản xuất thép tập trung ở vùng ven biển, nơi có nhiều cảng nước sâu, quỹ đất còn nhiều và không ảnh hưởng đến môi trường; Ưu tiên phát triển sản xuất phôi thép chất lượng cao ở quy mô nhỏ phù hợp với nguồn quặng sắt phân tán nhỏ lẻ tại khu vực miền núi.
Một số giải pháp về vốn đầu tư được nêu ra như huy động vốn của các thành phần kinh tế thông qua việc thành lập các công ty cổ phần trong nước, tiến tới phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong và ngoài nước, v.v… hoặc các dự án đầu tư nước ngoài dưới hình thức liên doanh hoặc đầu tư 100% vốn nước ngoài đối với các dự án luyện thép quy mô phù hợp.
Dự thảo của Bộ Công Thương cũng lưu ý đến giải pháp bảo vệ môi trường như lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát chặt chẽ khí thải, nước thải, bụi, v.v... tại các cơ sở sản xuất gang, thép.
Tăng cường giám sát các cơ sở sản xuất thép về việc tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường; Nghiên cứu và áp dụng công nghệ tái chế các chất phế thải rắn, bụi chứa kim loại nặng, khí thải v.v.. được thải ra trong quá trình sản xuất gang, thép.