Cà Mau muốn đưa Cảng Hòn Khoai vào danh mục dự án trọng điểm quốc gia ưu tiên mời gọi đầu tư
Khu vực Bãi Lớn của đảo Hòn Khoai |
Mục tiêu của dự án nhằm phát triển cảng biển cho tàu trọng tải lớn (cảng tổng hợp địa phương loại II, tải trọng tàu từ 5.000 tấn đến 250.000 tấn), tại khu vực cụm đảo Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau phù hợp với nhu cầu, năng lực tài chính của nhà đầu tư.
Nhằm tạo mọi điều kiện thu hút đầu tư vào dự án lớn này của tỉnh và của vùng, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau vừa cho biết, tỉnh vừa kiến nghị các bộ ngành chức năng trình Chính phủ Dự án Cảng Hòn Khoai cần được xem xét là dự án trọng điểm quốc gia ưu tiên mời gọi đầu tư, bởi 5 lý do sau:
Thứ nhất, với lợi thế vị trí địa lý kinh tế, giao thương bằng đường biển trong mối quan hệ lãnh thổ tương quan rất thuận lợi trong vùng và khu vực ASEAN; lợi thế Hòn Khoai với dự án cảng biển nước sâu và đánh giá khả năng thu hút hàng hóa lớn trong vùng và khu vực khi dự án đưa vào vận hành khai thác là điều không thể bàn cãi.
Vị trí địa lý Cà Mau trong mối quan hệ lãnh thổ |
Thứ hai, theo các chuyên gia đánh giá, Cảng Hòn Khoai khi được đầu tư sẽ trở thành cảng tổng hợp nước sâu lớn nhất trong hệ thống cảng biển Việt Nam, có thể đáp ứng được tàu có tải trọng lên tới 250.000 tấn. Đồng thời, tạo thành thế kiềng ba chân vững chắc cho động lực phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm: Kiên Giang – Phú Quốc, Trà Vinh - Định An và Khu kinh tế Năm Căn – Hòn Khoai.
Thứ ba, Cảng Hòn Khoai có thể coi là cảng xanh với hệ sinh thái đa dạng hầu như còn nguyên sơ, bởi tận dụng tối đa hệ thống đường thủy nội địa Đồng bằng sông Cửu Long – loại hình thân thiện môi trường nhất; cảng được bao quanh bởi một không gian xanh, hệ sinh thái còn nhiều tính hoang dã trên đảo Hòn Khoai, kết nối với hệ thống rừng ngập mặn tại huyện cực nam Ngọc Hiển. Nếu xem cảng Lạch Huyện của TP. Hải Phòng là cảng cửa ngõ của Thủ đô và vùng đồng bằng Bắc bộ, án ngữ vùng biển Đông bắc của đất nước, thì cảng Hòn Khoai cũng được ví là cửa ngõ của vùng ĐBSCL án ngữ cửa ngõ một cách cân đối ở hai đầu đất nước. Đây là những đặc điểm nổi trội của dự án hiếm nơi nào có được.
Thứ tư, ĐBSCL hiện tập trung nhiều dự án nhiệt điện lớn của đất nước, với năng lực có thể tiếp cận tàu tải trọng đến 250.000 tấn, nên khả năng thu hút nguồn hàng của Cảng Hòn Khoai trong tương lai rất lớn để đáp ứng nguồn nhiên liệu phục vụ cho các nhà máy, đặc biệt là hoạt động nhập khẩu than. Đây là tác nhân chính đáp ứng sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nhu cầu nhập khẩu than cho phát triển công nghiệp và nhu cầu về năng lượng điện phục vụ phát triển công nghiệp. Cảng Hòn Khoai được xây dựng với tầm nhìn chiến lược là trở thành một chợ đầu mối nhập khẩu than cho khu vực phía Nam TP Hồ Chí Minh, cũng như các ngành công nghiệp sẽ xây dựng trong tương lai tại Cà Mau. Mặt khác, Cảng Hòn Khoai có vị trí rất gần khu kinh tế Năm Căn, nhưng lại giữ một khoảng cách hợp lý với cộng đồng dân cư nên rất thuận lợi cho việc lưu trữ và nhập khẩu hàng hóa mà không ảnh hưởng tới môi trường sinh thái khu dân cư.
Vị trí các đảo trên cụm đảo Hòn Khoai |
Thứ năm, Khu vực kinh tế hậu cần sau cảng tại Khu Kinh tế Năm Căn sẽ cho phép nhập container vào cảng, sau đó thông qua vận chuyển đến các trung tâm công nghiệp chính trên toàn bộ khu vực. Khu kinh tế Năm Căn nằm tại vị trí lý tưởng kết nối thuận lợi với cảng Hòn Khoai, xét về cả đường bộ, đường thủy và đường không phục vụ cho nhu cầu xuất nhập khẩu qua cảng. Do vậy, việc đầu tư Cảng Hòn Khoai không chỉ phục vụ cho các nhu cầu xuất nhập container, than mà còn phục vụ cho các loại hàng hóa nông nghiệp khác như: gạo, nông sản, thủy hải sản… và các loại hàng đang tăng trưởng như xăng dầu, khí hóa lỏng, là những loại hàng chủ lực trong tương lai gắn với mục tiêu phòng thủ, đảm bảo an ninh quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ
Hiện nay, tỉnh Cà Mau đang mời gọi đầu tư Cảng biển Hòn Khoai theo nhu cầu và năng lực của nhà đầu tư, thực tế nếu vào đây, nhà đầu tư phải đầu tư đồng bộ tất cả cơ sở hạ tầng với vốn đầu tư rất lớn, hiệu quả đầu tư sẽ không cao, khó thu hồi vốn, dẫn đến dự án kém hấp dẫn, khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư.
Do đó, theo kiến nghị của tỉnh, cần có cơ chế sử dụng vốn nhà nước đầu tư cho các hạng mục công trình công cộng như đê chắn sóng, luồng tàu, san lấp tạo mặt bằng, giao thông kết nối, điện... để tạo cơ sở hạ tầng bước đầu thu hút kêu gọi được nhà đầu tư.
Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc xúc tiến mời gọi đầu tư và thực hiện dự án cảng Hòn Khoai, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Công thương xem xét thống nhất đầu tư phát triển Cảng Hòn Khoai với quy mô cỡ tàu 250.000 tấn; đồng thời, bổ sung quy hoạch nhà máy nhiệt điện chạy than công nghệ cao tại Hòn Khoai để phục vụ nhu cầu điện năng cho khu kinh tế Năm Căn nói riêng và tỉnh Cà Mau.
Đồng thời, Cà Mau cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, điều chỉnh quy hoạch bến cảng Hòn Khoai là bến cảng tổng hợp, container, chuyên dùng với quy mô đáp ứng cho tàu trọng tải đến 250.000 tấn cập bến.
Ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết: "Với điều kiện địa lý tự nhiên rất thuận lợi và tiềm năng phát triển cảng biển nước sâu của Cà Mau, cần khẩn trương triển khai để đón đầu cơ hội trong xu hướng hội nhập và giao lưu quốc tế; đồng thời, để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển, đảo gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển. tỉnh kiến nghị bộ ngành trung ương xem xét và sớm đưa Dự án Cảng Hòn Khoai vào danh mục dự án trọng điểm quốc gia ưu tiên mời gọi đầu tư".
Cà Mau đề xuất đầu tư xây dựng cảng biển nước sâu Hòn Khoai |