|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

BYD tính xây nhà máy ở Campuchia

16:28 | 01/07/2024
Chia sẻ
Khoản đầu tư của BYD được đánh giá sẽ thu hút sự quan tâm đối với lĩnh vực ô tô cùng nhiều lĩnh vực khác, làm tăng niềm tin đầu tư vào Campuchia.

Theo tờ Phnom Penh Post, Thủ tướng Hun Manet cho biết nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD dự định xây dựng nhà máy ô tô tại Campuchia trong tương lai gần. BYD đã thâm nhập thị trường Campuchia vào năm 2020, mở showroom tại Phnom Penh và giới thiệu một số mẫu xe điện tại đây.

 Mẫu Atto 3 được BYD ra mắt thị trường Campuchia vào tháng 8/2022. (Ảnh: BYD Cambodia).

"Tôi đã nhận được thông tin rằng sắp tới, công ty xe điện BYD của Trung Quốc đang lên kế hoạch đầu tư sản xuất ô tô tại Campuchia. Đây là một thành công" ông Hun Manet phát biểu trong lễ kỷ niệm ngày Doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSME Day) tại Phnom Penh ngày 27/6.

Ông Hun Manet nhấn mạnh rằng khoản đầu tư này sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn lực kinh tế và chuỗi sản xuất của Campuchia. Ông bày tỏ hy vọng các công ty lớn đầu tư vào Campuchia sẽ kết nối với các doanh nghiệp MSMEs, tích hợp vào chuỗi cung ứng.

"Tại sao chúng ta cần thúc đẩy khu vực tư nhân? Tại sao chúng ta cần chú ý đặc biệt đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa? Tất nhiên, chúng ta cũng quan tâm và khuyến khích các doanh nghiệp lớn như BYD. Tuy nhiên, chúng ta không được bỏ qua việc thúc đẩy các MSMEs," ông nói.

Nhà phân tích kinh tế xã hội Chey Tech đánh giá khoản đầu tư của một tập đoàn hàng đầu như BYD sẽ thu hút sự quan tâm từ các tổ chức tài chính trong cả lĩnh vực ô tô và nhiều lĩnh vực khác. Đồng thời, tăng cường niềm tin của nhà đầu tư vào Campuchia.

Ông bổ sung rằng việc lắp ráp ô tô từ một công ty lớn như vậy sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm kỹ thuật cao cho người dân Campuchia, cung cấp cho họ mức lương cao và chuyên môn kỹ thuật về xe điện cùng các kỹ năng tiên tiến khác.

"Đối với người tiêu dùng, những chiếc xe lắp ráp trong nước sẽ có giá phải chăng hơn, giảm nhu cầu nhập khẩu và hạ thấp các chi phí liên quan," ông Chey cho biết. "Mặc dù các linh kiện sẽ được nhập khẩu để lắp ráp, nhưng nếu xét về thuế nhập khẩu, tổng chi phí vẫn sẽ thấp hơn so với việc nhập khẩu xe nguyên chiếc," ông nói thêm.

Ông Chey nhấn mạnh rằng những người Campuchia quan tâm đến việc sử dụng xe điện sẽ hưởng lợi từ các lựa chọn hợp lý hơn nhờ vào sản xuất trong nước. Trong cuộc gặp với Phó Chủ tịch BYD Liu Kading tại Trung Quốc vào tháng 10/2023, ông Sun Chanthol, Phó Chủ tịch thứ nhất của Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC), đã khuyến khích công ty xây dựng các trạm sạc điện để hỗ trợ người dùng xe điện.

Ở thời điểm đó, ông Sun Chanthol gợi ý rằng BYD nên nghiên cứu tính khả thi của việc xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô tại Campuchia, nhấn mạnh rằng 65% dân số Campuchia là người trẻ và có khả năng đóng góp vào việc sản xuất xe điện để cung cấp cho khu vực tiểu vùng sông Mekong.

Theo tờ Khmer Times, Campuchia hiện có 6 nhà máy lắp ráp ô tô, bao gồm Daehan Auto - sản xuất Ssangyong; RMA Automotive - sản xuất Ford; Camko Motor - sản xuất Hyundai; HGB Motors Assembly - sản xuất Kia; GTV Motor - sản xuất xe thương hiệu nội địa GTV; và Toyota Tsusho Manufacturing (Campuchia) - sản xuất Fortuner và Hilux. Trong giai đoạn tháng 1 đến tháng 5/2024, Campuchia đã nhập khẩu khoảng 385 triệu USD ô tô.

Trên toàn Đông Nam Á, BYD của Trung Quốc là hãng xe điện bán chạy nhất, chiếm 47% doanh số xe điện, đứng sau là VinFast của Việt Nam, theo báo cáo của Counterpoint Research.Trong quý đầu năm 2023, 75% xe điện bán ra ở Đông Nam Á do các công ty Trung Quốc sản xuất.

Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, đang dẫn đầu xu hướng này. Đây là nơi các hãng xe Trung Quốc đã cam kết đầu tư hơn 1,44 tỷ USD để thành lập các cơ sở sản xuất xe điện mới.

Thành Vũ