BVSC: Vietcombank có thể được nới room lên 19% trong năm 2022
Room tín dụng cả năm có thể được nới lên 18-19%
Theo báo cáo cập nhật Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết Vietcombank là một trong hai ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong nửa đầu năm 2022 và cũng là mức tăng trước tín dụng nhanh nhất trong 10 năm qua của Vietcombank.
Cụ thể, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa cấp hạn mức tín dụng mới, Vietcombank với hạn mức tín dụng tạm cấp tương đối cao đã đẩy mạnh hoạt động cho vay và có mức tăng trưởng tín dụng tính đến cuối quý II/2022 lên tới 14,4% so với cùng kỳ, tương ứng với mức tăng 6,9% so với quý trước đó.
Tăng trưởng tín dụng cả nước trong 6 tháng đầu năm đạt mức 9,34% trong khi kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm chỉ vào khoảng 14%, do đó dư địa hạn mức tín dụng cho các ngân hàng là tương đối hạn chế cho 6 tháng cuối năm.
Tuy nhiên, với việc Vietcombank đã đề xuất nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng cũng như là ngân hàng có sự hỗ trợ mạnh mẽ cho nền kinh tế trong hai năm đại dịch thì nhiều khả năng ngân hàng vẫn sẽ được giao hạn mức tín dụng tích cực với mức ước tính hạn mức tín dụng cả năm vào khoảng 18-19%.
Tăng trưởng tín dụng của Vietcombank được dẫn dắt bởi nhóm khách hàng cá nhân với mức tăng khoảng 17% và nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn với mức tăng khoảng 14%. Cuối quý II/2022, ngân hàng chỉ nắm giữ 11.608 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, giảm 1,9%% so với cùng kỳ và giảm 0,7% so với quý trước. Tỷ trọng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trên tổng tín dụng của Vietcombank chỉ ở mức 1%.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao lịch sử, đẩy mạnh trích lập dự phòng trong thời gian tới
Quý II/2022, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank giảm 0,21 điểm % về mức 0.61%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng 133% lên mức 506%, là mức cao lịch sử của Vietcombank cũng như các ngân hàng ở Việt Nam;
Tỷ lệ nợ tái cơ cấu giảm từ mức 7.000 tỷ đồng xuống còn 4.000 tỷ đồng. Với mức giảm này thì Vietcombank được hoàn nhập lại khoản trích lập dự phòng của những món nợ tái cơ cấu. Tuy nhiên, chi phí dự phòng trong quý II vẫn cao hơn khá nhiều so với quý I. Theo các chuyên gia, nhiều khả năng Vietcombank đã đẩy mạnh thực hiện trích lập dự phòng để tạo ra bộ đệm tốt hơn cho thời gian tới.
Ngoài ra, về tăng trưởng huy động, các chuyên gia của BVSC cho rằng trong bối cảnh lạm phát kỳ vọng gia tăng cũng như NHNN có thể cấp thêm hạn mức tín dụng thì Vietcombank có thể gia tăng lãi suất huy động để thu hút thêm tiền gửi khách hàng, nhưng sẽ chịu ít áp lực gia tăng lãi suất hơn các ngân hàng thương mại cổ phần khác.
NIM của ngân hàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực trong nửa cuối năm khi lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ gia tăng trong khi lãi suất cho vay được điều chỉnh chậm hơn do được thay đổi định kỳ khoảng 6 tháng một lần.
Quý II, NIM của ngân hàng đạt mức 3,33%, giảm 0,1 điểm % so với quý liền kề và 0,05 điểm % so với cùng kỳ. Mức giảm của NIM đến từ lợi suất sinh lợi trên tài sản giảm. Lợi suất sinh lợi trên tài sản giảm 0,1 điểm % so với quý liền kề và giảm 0,1 điểm so với cùng kỳ do lợi suất của trái phiếu giảm.
Về CASA, quý II/2022, CASA giảm 0,9% về mức 35,4%. Tuy nhiên theo các chuyên gia, CASA vẫn có thể có tăng trưởng tích cực trong thời gian tới khi đã thực hiện chính sách miễn phí chuyển khoản cũng như miễn phí quản lý tài khoản.