|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bước tiến mới để gỡ 'thẻ vàng' của EC trong khai thác thủy sản

11:45 | 16/09/2019
Chia sẻ
Việt Nam đã triển khai tương đối đồng bộ các nhóm giải pháp theo 9 khuyến nghị của EC trong việc khắc phục "thẻ vàng" đối với khai thác hải sản.
Bước tiến mới để gỡ 'thẻ vàng' của EC trong khai thác thủy sản - Ảnh 1.

Tàu cá trên vùng biển Hà Tiên. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Theo kế hoạch, tháng 11/2019, Đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam lần thứ 2 để kiểm tra, đánh giá lại việc thực hiện các khuyến nghị mà phía EC đưa ra trước đó đối với hải sản khai thác của Việt Nam nhằm bảo đảm khai thác một cách bền vững.

Đây là cơ hội để Việt Nam chứng minh những nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc tháo gỡ "thẻ vàng" cho khai thác hải sản.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này.

- Xin ông cho biết kết quả nổi bật mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua đối với việc khắc phục "thẻ vàng" của EC?

Ông Nguyễn Quang Hùng: Đến thời điểm này, Việt Nam đã triển khai tương đối đồng bộ các nhóm giải pháp theo 9 khuyến nghị của EC trong việc khắc phục "thẻ vàng" đối với khai thác hải sản.

Đặc biệt, ở cấp Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, 28 tỉnh, thành phố ven biển cũng vào cuộc quyết liệt như: thành lập các Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại các cảng cá; triển khai các Thông tư, Nghị định dưới Luật Thủy sản 2017, đặc biệt là các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp...

Qua đó, việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng hải sản cập bến phục cho việc truy xuất nguồn gốc, thu nộp nhật ký khai thác... được tốt hơn.

Mới đây, sau cuộc họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan ngăn chặn và tiến tới loai bỏ tình trạng tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài.

Thực tế cho thấy, tình trạng tàu cá vi phạm tại các quốc đảo Thái Bình Dương đã không còn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số trường hợp tàu cá vi phạm tại các vùng biển chồng lấn chưa phân định, đặc biệt tại khu vực Tây Nam bộ giữa các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

Để khắc phục triệt để vấn đề này, thời gian tới Ban Chỉ đạo quốc gia sẽ làm việc với Bộ Quốc phòng để có giải pháp tổng thể nhằm ngăn chặn và chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm tại các vùng biển chồng lấn.

Tôi cho rằng, với sự vào cuộc quyệt liệt của Bộ Quốc phòng và các địa phương sẽ giải quyết triệt để tình trạng khai thác bất hợp pháp.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Tổng cục Thủy sản đã tăng cường các cuộc đàm phán với EC để họ nắm bắt được những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua.

Tóm lại, đối với nhóm khuyến nghị của EC liên quan đến khung pháp lý thì Việt Nam đã cơ bản đáp ứng.

Đối với nhóm khuyến nghị liên quan đến việc thực thi pháp luật trên biển, Luật Thủy sản là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai.

Đối với nhóm khuyến nghị hợp tác quốc tế, hiện nay Việt Nam đã tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực, ký kết đường dây nóng để xử lý các vấn đề trên biển.

Có thể nói, việc hợp tác quốc tế đang phát huy hiệu quả rõ rệt, đặc biệt là Việt Nam thường xuyên tham gia các diễn đàn thế giới, ngoài hợp tác nghề cá, hoạt động trên biển thì cũng lồng ghép trao đổi kinh nghiệm, chống khai thác bất hợp pháp.

Bước tiến mới để gỡ 'thẻ vàng' của EC trong khai thác thủy sản - Ảnh 2.

Đoàn Ủy ban Nghề cá của Nghị viện châu Âu kiểm tra tại Công ty Cổ phần thủy sản Bình Định. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Một điểm nữa mà Việt Nam đã làm rất tốt là việc quản lý khai thác theo hướng phát triển bền vững. Cụ thể, việc cấp hạn ngạch giấy phép khai thác cho vùng bờ, vùng lộng, vùng khơi để đáp ứng yêu cầu của EC là phát triển khai thác bền vững.

Thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện việc lắp đặt thiết bị hành trình cho tàu cá bởi đây cũng là nội dung quan trọng trong việc quản lý tàu cá, hạn chế tối đa việc tàu cá vi phạm.

Bên cạnh đó, khi khai thác trên biển cũng kiểm soát được vị trí khai thác, hỗ trợ tàu cá gặp nạn...

- Qua các đợt kiểm tra thực tế, ông đánh giá thế nào về việc khắc phục "thẻ vàng" của các địa phương?

Ông Nguyễn Quang Hùng: Qua các đợt kiểm tra thực tế của Tổng cục Thủy sản cho thấy, 28 tỉnh, thành phố ven biển đã rất tích cực trong việc khắc phục "thẻ vàng," từ việc ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai của Thủ tướng, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... đến việc tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân khai thác một cách bền vững, không đánh bắt bất hợp pháp.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn nhân lực trong lĩnh vực khai thác thủy sản cũng như hạ tầng tại nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu.

Kinh nghiệm tại các quốc gia cho thấy, họ đầu tư rất lớn cho việc này như thành lập Trung tâm quốc gia về giám sát tàu cá hay tăng cường biên chế cho các địa phương.

Đơn cử là Thái Lan thành lập 31 trạm kiểm soát nghề cá dọc theo vùng biển của họ.

Thực tế hiện nay tại Việt Nam, mỗi Chi cục chỉ có từ 3-5 người làm trong lĩnh vực thủy sản và còn phải làm nhiều việc chuyên môn khác.

Do đó, khi phân công họ tham gia vào Văn phòng kiểm soát tàu cá thì lại không có thời gian làm việc khác. Trong khi đó, số lượng tàu cá là rất lớn và phải trực 24/24 giờ tại các cảng cá. Có thể nói, đây là hạn chế lớn nhất tại các địa phương ven biển.

Vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản kiến nghị các địa phương ưu tiên bố trí kinh phí, đầu tư hạ tầng cảng cá để đáp ứng yêu cầu của EC.

- Vậy theo ông, thời gian tới cần thực hiện giải pháp nào để tiến tới tháo gỡ "thẻ vàng" cho khai thác hải sản của Việt Nam?

Ông Nguyễn Quang Hùng: Đến thời điểm này, có thể khẳng định các văn bản hướng dẫn các giải pháp thực hiện từ Trung ương đến địa phương là đầy đủ và kịp thời.

Tôi cho rằng, về phía Trung ương, thời gian tới rất cần phải có quy hoạch lại ngành khai thác hải sản cũng như quy hoạch lại hệ thống cảng cá; đồng thời tăng cường đầu tư để đáp ứng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng cũng như quy hoạch phát triển nghề khai thác hải sản bền vững.

Hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là ý thức của ngư dân, làm sao để họ phải tuân thủ quy định của pháp luật trong việc chống khai thác bất hợp pháp.

Nếu ngư dân không tuân thủ quy định thì cơ quan nhà nước khó thể kiểm soát. Bởi hiện nay nguồn lực thực thi trên biển rất mỏng, trong khi đó biển thì bao la, số lượng tàu cá lớn với khoảng 1 triệu ngư dân hoạt động trên biển.

Do đó, các địa phương cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động ngư dân về việc khai thác. Đây là giải pháp quan trọng nhất vì ngư dân là người trực tiếp khai thác ngoài biển khơi.

Ngư dân phải hiểu rằng, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách để duy trì nghề khai thác bền vững, đảm bảo sinh kế cho ngư dân và khi gỡ được "thẻ vàng" thì ngư dân chính là người được hưởng lợi.

Thành Trung