|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bước tiến của thị trường chứng khoán mới nổi từ chuyện của một huấn luyện viên tennis Thái Lan

17:40 | 22/06/2017
Chia sẻ
Câu chuyện về huấn luyện viên tennis người Thái Lan chỉ ra sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán mới nổi là nhờ cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu và xu hướng này tiếp tục được các nhà đầu tư đẩy mạnh. 

Samark Srisarakham lần đầu đến Bangkok với anh trai mình khi mới 11 tuổi đã ngủ trên chiếc giường công cộng ngay cạnh một sân bóng tennis. Ông không dám tưởng tượng lớn lên sẽ có cuộc sống với các nhà hàng tuyệt đẹp, quần áo mới và những thiết bị điện hiện đại nhất.

buoc tien cua thi truong chung khoan moi noi tu chuyen cua mot huan luyen vien tennis thai lan
Ông Samark Srisarakham, huấn luyện viên tennis ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: Bloomberg).

Nhưng 30 năm sau đó, ông trở thành huấn luyện viên tennis tại thủ đô của Thái Lan, và một minh họa hoàn hảo về điều mà cựu Chủ tịch của ngân hàng Goldman Sachs Jim O’Neil gọi là “câu chuyện vĩ đại nhất thế giới” khi nói đến đầu tư: sự thăng tiến của người tiêu dùng trên thị trường mới nổi.

Xuất thân từ một thị trấn nghèo ở vùng nông thôn miền Bắc Thái Lan, Samak sở hữu 3 bất động sản và 2 chiếc xe ô tô. Hai con gái của ông theo học ở trường quốc tế, và gia đình ông có bộ sưu tập các mẫu điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Những câu chuyện đổi đời từ nghèo khó sang giàu có giống như Samak là "chìa khóa" lý giải cho những lần tăng mạnh nhất của các cổ phiếu trên thị trường mới nổi trong năm nay.

Cổ phiếu của các công ty hàng tiêu dùng không thiết yếu, đã tăng 23% trong năm 2017. Những công ty này chuyên bán các sản phẩm phục vụ mục đích ngoài các nhu cầu cần thiết khi người tiêu dùng có thừa tiền để chi tiêu. Giá cổ phiếu công nghệ tăng giúp đẩy chỉ số thị trường mới nổi MSCI ghi nhận năm tốt nhất kể từ 2009.

“Chi tiêu tiêu dùng là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng ở khắp các thị trường mới nổi, đặc biệt là ở châu Á”, Angelo Corbetta, người đứng đầu phòng chứng khoán châu Á của công ty quản lý đầu tư Pioneer ở London, cho biết.

Trong khi các quốc gia nghèo hơn phải chịu sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng, thương mại điện tử đang lấp đầy khoảng trống đó, giúp thúc đẩy tiêu thụ thông qua việc tới các cửa hàng chọn đồ theo nhu cầu của người mua. Theo ông Corbetta, “xu hướng tiêu thụ đã thay đổi nhanh chóng trong vài năm qua với doanh số tập trung vào bán hàng trực tuyến được cải thiện với lượng người sử dụng công nghệ kĩ thuật số gia tăng”.

Tầng lớp trung lưu

Sự bùng nổ của xu hướng này xảy ra khi nhiều thị trường mới nổi đang trong thời điểm vàng, trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gỡ bỏ chính sách kích thích tiền tệ, cùng với khủng hoảng địa chính trị có thể kích thích sự yêu thích rủi ro của các nhà đầu tư.

Mặc dù vậy, điều này vẫn có thể thay đổi. Khủng hoảng tài chính toàn cầu mới có thể làm di chuyển nguồn vốn, và một vài quốc gia có gánh nặng nợ hộ gia đình cao có thể khiến chi tiêu giảm nếu chi phí đi vay tăng.

Tuy nhiên, hiện tại cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu trên thị trường mới nổi tăng cao nhất trong 6 năm, nhờ các nhà bán lẻ như siêu thị, nhà sản xuất sản phẩm sạch và nhà chế biến thực phẩm. Sự thay đổi này chủ yếu là nhờ vào châu Á, ngôi nhà của tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh mẽ.

Vậy đâu sẽ là mục tiêu tiếp theo của người tiêu dùng trên thị trường mới nổi? Một số xu hướng chính trong tầm ngắm của các nhà đầu tư gồm có:

Đông Nam Á

Theo Oxford Economics và Haver Analytics, huấn luyện viên Samak là một phần trong sự thay đổi lớn ở Đông Nam Á, nơi dân số của tầng lớp trung lưu có thể tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2012 – 2030.

Trong khi người tiêu dùng ở Đông Nam Á “vẫn chưa thay đổi lớn tới mức mua những chiếc ô tô siêu hạng hay túi xách tay Louis Vuitton, mong muốn mua các sản phẩm cao cấp sẽ từ từ bắt kịp và thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai”, ông Arthur Kwong, người đứng đầu phòng chứng khoán châu Á Thái Bình Dương ở công ty quản lý tài sản BNP Paribas châu Á (Hồng Kông), cho biết.

Thời gian giải trí

Tiền nhiều hơn nghĩa là nhiều dịch vụ giải trí hơn. Theo ông Trinh Nguyen, chuyên gia kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi châu Á ở Natixis SA (Hồng Kông), hoạt động thể thao, du lịch và nhà hàng là những lĩnh vực sẽ thu về lợi nhuận.

Thương mại điện tử

Với châu Á, cụ thể là Trung Quốc, đi đầu trong việc sử dụng thanh toán qua điện thoại, cổ phiếu Internet trong khu vực sẽ tiếp tục thu hút giới đầu tư, ông Corbetta nói. Những cổ phiếu này “là một cách sinh lời để tăng tiếp cận tới tầng lớp trung lưu đang phát triển”, thông qua các doanh nghiệp trong lĩnh vực từ trò chơi trên điện thoại di động và phương tiện truyền thông tới du lịch và điện toán đám mây.

Những công ty tiên phong như NetEase - công ty phát triển trò chơi trên điện thoại di động của Trung Quốc, Naver của Hàn Quốc – công cụ tìm kiếm được đa dạng hóa thành thanh toán điện tử, và Baozun – công ty thương mại điện tử có trụ sở tại Thượng Hải.

Sức khỏe và môi trường

Truyền thông xã hội đã đặt xu hướng mới nhất vào tay của bất kỳ người nào sử dụng điện thoại di động. Vì vậy, ngay cả những vấn đề như quốc gia phát triển quan tâm về thực phẩm sạch và tập thể dục có thể xâm nhập vào thị trường châu Á, ông Joshua Crabb, người đứng đầu phòng chứng khoán châu Á của Old Mutual (Hồng Kông), cho biết.

Lyly Cao