Bước nhảy vọt đưa CTCK liên quan Chủ tịch VIB lọt top 20
Tham vọng lọt top 20 CTCK vốn điều lệ lớn nhất của KAFI
Vừa hoàn tất tăng vốn điều lệ thêm 500 tỷ đồng vào tháng 8/2023, Chứng khoán KAFI sắp lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc tăng vốn điều lệ và bổ sung nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phái sinh.
Công ty muốn điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ theo hướng nâng giá trị tối đa đã đề ra trước đó. Tại nghị quyết tháng 4/2023, công ty đặt kế hoạch tăng vốn gấp đôi từ 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong phương án mới, công ty nâng mục tiêu tăng vốn lên tối đa 2.500 tỷ đồng.
Thực hiện kế hoạch trên, trong đợt đầu tiên, công ty tăng vốn từ 1.000 lên 1.500 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1 (nhà đầu tư nắm giữ 2 cổ phiếu được mua 1 cổ phiếu mới). Kết quả có 25 cổ đông tham gia mua toàn bộ 50 triệu cp trên, riêng khối ngoại mua 8,25 triệu cp.
Trong đợt 2, công ty muốn nâng quy mô vốn điều lệ lên 2.500 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 3:2 (nhà đầu tư nắm giữ 2 cổ phiếu được mua 1 cổ phiếu mới) với giá 10.000 đồng/cp. Thời gian hoàn thành dự kiến trước ngày 30/4/2024.
Nếu tăng vốn thành công, Chứng khoán KAFI sẽ gia nhập top 20 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Quan sát trong những tháng gần đây, nhiều đơn vị liên quan đến các ngân hàng hoặc nằm trong hệ sinh thái của các ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn lớn như Chứng khoán LPBank, TPS, DSC. Trước đó, các tổ chức khác cũng tăng vốn điều lệ như ACBS, MBS, TCBS.
Trở lại với thương vụ của KAFI, số tiền 1.000 tỷ đồng thu về trong đợt thứ 2 được dùng để mở rộng hoạt động kinh doanh, bổ sung vốn cho các nghiệp vụ kinh doanh được cấp phép và mua sắm trang thiết bị kỹ thuật, đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Song song với kế hoạch tăng vốn, Chứng khoán KAFI muốn bổ sung nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phái sinh. Theo công ty, chứng khoán phái sinh là một trong những lĩnh vực kinh doanh trọng yếu đã được Hội đồng quản trị hoạch định từ nửa cuối năm 2022.
Chia sẻ thêm, tính đến thời điểm hiện tại, KAFI đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định, việc cunng cấp sản phẩm phái sinh nhằm mục tiêu đa dạng các sản phẩm dịch vụ và tăng cường phát triển khách hàng.
Những mối liên quan của KAFI với gia đình Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ
Những động thái này cho thấy Chứng khoán KAFI tiếp tục chuyển mình sau hai năm đổi chủ. Tiền thân của công ty là Chứng khoán Globalmind Capital. Tháng 12/2021, hai cổ đông lớn là ông Huỳnh Đăng Khoa và ông Lê Minh Quang chuyển nhượng hơn 95% vốn, bên mua vào có một tổ chức là CTCP Uniben (sở hữu 25%).
Trong danh sách cổ đông nắm giữ trên 4% vốn của Chứng khoán KAFI từng có các cổ đông cá nhân như ông Đặng Khắc Nhật Minh, ông Đặng Khắc Cường, ông Đặng Khắc Mạnh, ông Đặng Khắc Vỹ, bà Trần Thị Thảo Hiền, bà Đặng Thị Thu Thủy, bà Nguyễn Thị Thu Trang, ông Đặng Văn Sơn.
Nhân vật quen thuộc trong giới tài chính là ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch Ngân hàng Quốc tế VIB (Mã: VIB), bà Trần Thị Thảo Hiền là vợ ông Đặng Khắc Vỹ.
Tổ chức Uniben cũng không phải xa lạ với cổ đông của Ngân hàng VIB bởi đây là một trong những tổ chức nắm giữ lượng lớn cổ phần, hiện đạt gần 5% vốn của VIB. Tổ chức này từng có mối liên quan với ông Đặng Khắc Dũng, em trai Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ. Uniben tiền thân là Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Việt Hưng, thành lập năm 1992 với sản phẩm mì 3 Miền.
Trong giai đoạn đầu, sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Đông Âu. Với thành công của mì 3 Miền, Uniben từng là sản xuất mỳ ăn liền lớn thứ ba ở Việt Nam. Ngoài ra, công ty còn đang phát triển sản phẩm Trà mật ong Boncha và Nước trái cây Joco, Nước tăng lực Abben.
- TIN LIÊN QUAN
-
Thời kỳ ngân hàng hậu thuẫn công ty chứng khoán trở lại 03/12/2023 - 11:00
Cổ đông tổ chức lớn thứ hai của KAFI là Gentle Sun Investment Limited, công ty được thành lập năm 2019, có trụ sở tại thiên đường thuế - Quốc đảo Síp. Tổ chức này xuất hiện trong cơ cấu cổ đông của KAFI từ tháng 7/2022 khi thực hiện mua 13,94 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán tổng số 84,5 triệu cp. Sau giao dịch, tổ chức này nắm giữ 13,94% vốn.
Tính đến cuối tháng 6/2023, tỷ lệ sở hữu của Gentle Sun Investment Limited tăng lên 16,5%.
Hai năm hậu đổi chủ, Chứng khoán Globalmind Capital đổi tên và tăng vốn gấp 10 lần qua hai đợt vào tháng 7/2022 (155 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng) và tháng 8/2023 (1.000 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng).
Sau tăng vốn, tình hình kinh doanh của Chứng khoán KAFI có sự thay đổi rõ nét. Năm 2022, công ty có doanh thu 116 tỷ đồng, gấp gần 3 lần mức 40,6 tỷ đồng năm trước đó, nhưng lãi sau thuế 19,9 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 20,1 tỷ đồng năm 2021.
9 tháng đầu năm 2023, doanh thu hoạt động của công ty đạt 316 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 44 tỷ đồng. Nguồn thu chính của công ty đến từ hoạt động tự doanh và cho vay margin. Lãi sau thuế của công ty là 68 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ năm 2022.
Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của Chứng khoán KAFI là hơn 5.033 tỷ đồng, gồm danh mục FVTPL (3.760 tỷ đồng), cho vay (917 tỷ đồng) và tiền mặt (298 tỷ đồng).