|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Buộc nhà thầu Trung Quốc trả lại đường cho dân

09:45 | 29/11/2019
Chia sẻ
Lãnh đạo VEC yêu cầu nhà thầu Giang Tô khẩn cấp trả lại nguyên trạng 7 tuyến đường từng mượn để vận chuyển vật liệu thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Chiều 28/11, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm việc với cơ quan chức năng nhằm giải quyết dứt điểm các tồn tại liên quan đến dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Lãnh đạo VEC thừa nhận nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) chậm trễ hoàn trả lại các đường đã mượn thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khiến người dân chịu cảnh khốn khổ.

Buộc trả nguyên trạng đường cho dân

Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Đoàn Hà Yên chỉ rõ nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) từng mượn bảy tuyến đường địa phương phục vụ vận chuyển vật liệu thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

"Cao tốc đưa vào khai thác hơn một năm nhưng đến nay nhà thầu Trung Quốc vẫn chưa hoàn trả nguyên trạng. Các tuyến đường hiện dày đặc 'ổ voi' khiến người dân đi lại khốn khổ, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông", ông Yên nói.

Buộc nhà thầu Trung Quốc trả lại đường cho dân - Ảnh 2.

Nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) mượn đường của dân thi công cao tốc để lại "ổ voi" dày đặc trên tuyến đường xã Bình Trung (huyện Bình Sơn). Ảnh: Minh Hoàng.

Về vấn đề này, ông Lê Quang Hào, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), thừa nhận nhà thầu Giang Tô chậm trễ hoàn trả đường cho dân.

VEC kiên quyết yêu cầu nhà thầu Giang Tô phải xử lý. Nếu đơn vị không thực hiện, VEC sẽ trích từ tiền bảo lãnh của nhà thầu chuyển về cho địa phương sửa chữa, trả lại nguyên trạng đường cho dân theo đúng cam kết.

Ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), cũng đề nghị huyện Bình Sơn có phương án cụ thể đối với phần diện tích không thể canh tác để có hướng hỗ trợ hoặc đền bù thu hồi toàn bộ.

Buộc nhà thầu Trung Quốc trả lại đường cho dân - Ảnh 3.

Ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC). Người đeo kính trắng ngồi bên cạnh là ông Lê Quang Hào. Ảnh: Minh Hoàng.

Ông Tuấn Anh đề nghị địa phương này sớm xác định tổng kinh phí để sửa chữa, hoàn trả các tuyến đường. Trong trường hợp nhà thầu hoàn trả thì chủ đầu tư sớm trừ tiền bảo lãnh của nhà thầu từ dự án để chuyển cho địa phương khắc phục.

Về khoản kinh phí này, huyện Bình Sơn dự trù khoảng 10,5 tỷ đồng.

Ứng tiền thu phí làm vòng xoay cao tốc

Sau khi kiểm tra hiện trường hôm 25/11, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đã phê bình nghiêm khắc lãnh đạo Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (VEC) để nhà thầu thi công vòng xoay Dung Quất ì ạch, chậm tiến độ kéo dài.

Sau hơn một năm chờ xử lý lún, hiện công trình này vẫn trong tình trạng thi công dở dang, chưa thể kết nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Lãnh đạo VEC cho rằng vòng xoay Dung Quất chờ xử lý lún kéo dài nên đã hết thời hạn hiệp định của vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Do vậy, công trình cần thêm khoảng 200 tỷ để thanh toán các hạng mục còn nợ nhà thầu và 100 tỷ để thi công tiếp tục những phần việc còn dở dang.

Buộc nhà thầu Trung Quốc trả lại đường cho dân - Ảnh 4.

Sau một năm chờ xử lý lún, vòng xoay Dung Quất vẫn chưa thể kết nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: Minh Hoàng.

Hiện, VEC đã kiến nghị với bộ, ngành cho sử dụng tạm nguồn tiền từ thu phí cao tốc đoạn Tam Kỳ (Quảng Nam) - Đà Nẵng để tiếp tục thi công vòng xoay Dung Quất.

Tháng trước, UBND tỉnh Quảng Ngãi từng gửi văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải ra "tối hậu thư" buộc các nhà thầu chậm nhất đến ngày 30/11/2019 xử lý dứt điểm các tồn tại liên quan đến dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Tuy nhiên đến nay, các nhà thầu vẫn "giẫm chân tại chỗ", chưa hoàn trả các tuyến đường của địa phương; kênh thoát nước bồi lấp chưa được nạo vét, vòng xoay Dung Quất chưa thể kết nối với cao tốc khiến chính quyền lẫn người dân bức xúc.

Minh Hoàng

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.