Bùn đỏ, đất sét từ 40 móng biệt thự trái phép ở Sơn Trà đang đổ ập xuống bãi biển Tiên Sa
Chặt hết cây cối, đào ủi khối lượng đất đá khổng lồ xuống nằm sát bãi tắm Tiên Sa là tình trạng được ghi nhận ngay từ khi vụ việc 40 nền móng biệt thự không phép của Công ty biển Tiên sa bị phát hiện.
Khu vực 40 móng biệt thự Sơn Trà bị đình chỉ thi công trước đó lộ đất trống đồi trọc. Ảnh: Xuân Hậu.
Tuy nhiên, do địa hình khu vực này là nơi có độ dốc cao, lại trơ trọi cây cối nêu những ngày mưa dông vừa qua, lượng đất bùn đỏ và đất sét liên tiếp đổ xuống xâm thực trực tiếp một phần khu vực bãi cát trắng biển Tiên Sa.
Lượng đất bùn đỏ và đất sét đổ xuống cho đến nay đã vượt qua hai hàng dừa mát của bãi tắm. Nếu mưa dông kéo dài thì dự báo tình trạng này sẽ ngày càng trầm trọng thêm khi chưa có phương án khắc phục.
Anh Huỳnh Đăng Tửu –Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng chia sẻ: “Việc sạt lở này theo tôi là hậu quả tất yếu. Đà Nẵng lại liên tiếp đón nhận những trận mưa dông lớn nên khu vực này cần phải có phương án khắc phục nhanh. Về lâu dài cần có phương án dứt điểm”.
Lượng bùn đỏ và đất sét đổ xuống khu vực bãi tắm Tiên Sa ngày càng nhiều. Ảnh: Xuân Hậu.
Biển Tiên Sa là một trong những nơi thu hút nhiều khách du lịch đến vui chơi, nghỉ dưỡng và cắm trại. Mặc dù tình trạng sạt lở đã diễn ra được gần một tuần nay, song tại khu vực sạt lở gần với bãi tắm vẫn chưa có biển báo cắm nguy hiểm nào.
Ông Hồ Duy Diệm – nguyên Trưởng ban Quy hoạch thành phố Đà Nẵng cho biết: “Lượng đất bùn đỏ này khi đổ xuống bãi tắm Tiên Sa sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sinh thái khu vực. Nếu thủy triều ở bãi tắm dâng cao thì lượng đất bùn này sẽ bị cuốn theo xuống biển và ảnh hưởng đến cả môi trường sinh thái biển tại đây”.
Cũng theo ông Diệm, phương án giải quyết trước mắt là phải cho tiến hành hốt hết tất cả lượng đất bùn đỏ, đất sét trên cát ở bãi tắm đến khu vực khác, ngăn chặn tình trạng đất bùn đỏ, đất sét chảy xuống biển. Sau đó cần có phương án chống sạt lở toàn bộ khu vực.
Mặc dù tình trạng này đã diễn ra nhiều ngày song khu vực này vẫn chưa có biển báo nguy hiểm. Ảnh: Xuân Hậu.
Trong tháng 6 vừa qua, cùng nhận định được tình hình sạt lở tại Tiên Sa, UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý nguy cơ sạt lở ở Sơn Trà song vẫn chưa nhận được phản hồi.
Hiện tất cả các dự án ở khu vực bán đảo Sơn Trà đang phải tạm dừng đến 30.8 để rà soát theo chỉ đạo của Chính phủ nên UBND thành phố Đà Nẵng không thể tự quyết định các phương án giải quyết cho tình trạng sạy lở ở khu vực bãi tắm Tiên Sa được.
Tuy nhiên nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn khi mùa mưa đang đến gần thì sẽ ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái rừng và biển mà nguyên nhân chính là sự tác động thô bạo của con người lên Sơn Trà.