Bức tử kênh rạch, TP.HCM ngày càng ngập nặng
Một đoạn rạch Ông Đội, dưới chân cầu Kênh Tẻ (P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM) đã bị lấp bởi... rác - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG |
Con số giật mình này vừa được nêu tại kỳ họp HĐND TP, được cho là một trong những nguyên nhân làm TP.HCM ngày càng ngập nặng. Phóng viên Tuổi Trẻ đã ngược trở lại những dòng kênh, miệng cống ở TP.HCM bị bức tử.
Tụi tui đâu dám chui sâu phía dưới các nền nhà hay những đoạn bị nhà cửa lấp phía trên vì nơm nớp sợ... sập. Một công nhân thoát nước |
Biệt thự trên rạch
Theo chân đội tuần tra của Công ty TNHH một thành viên thoát nước đô thị, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi các nhân viên chỉ tay về một loạt căn nhà sát nhau, trong đó có những căn biệt thự hoành tráng tại lô E khu dân cư Nam Long, P.Phú Thuận (Q.7) đang nằm trên vị trí trước đây vốn là một nhánh rạch Bà Bướm.
Tuy nhiên hiện tại một đoạn kéo dài hơn 100m bắt đầu từ địa chỉ số 48 Phú Thuận ngược về phía hạ nguồn, nhà đã mọc kín phía trên, có những căn nhà có địa chỉ nhưng cũng có những căn chưa có địa chỉ.
Công nhân thoát nước cho biết những căn nhà này ban đầu chỉ là những căn nhà lá, tôn tạm bợ nhưng dần dà "biến" thành những căn nhà kiên cố mọc lên ngay trên lòng rạch. Nếu không còn một số đoạn hở chắc khó biết dưới các nền nhà nhà này có con rạch chảy ngầm.
Nhiều căn nhà trong ảnh, phía xa là căn biệt thự có một phần xây dựng trên một nhánh rạch Bà Bướm, Q.7 - Ảnh: QUANG KHẢI |
Người dân ở đây cho biết, mỗi khi có triều cường cao, nước theo con rạch này tràn ngập xâm xấp mặt đường.
Trong trận mưa do bão số 9 mới đây, khu vực này cũng là một trong những nơi ngập nước trên địa bàn quận 7.
Trong khi đó, con rạch này vốn là một trong những hướng thoát nước chính của tuyến đường Phú Thuận (kết nối với đường Huỳnh Tấn Phát), do tình trạng lấn chiếm rạch nên tuyến đường này cũng là một trong những "điểm nóng" về ngập nước.
Năm 2017 đường Phú Thuận nâng lên, tình trạng ngập nước có đỡ hơn nhưng việc duy tu, nạo vét, vớt rác tại đoạn rạch này là một thử thách cam go với công nhân thoát nước.
"Tụi tui đâu dám chui sâu phía dưới các nền nhà hay những đoạn bị nhà cửa lấp phía trên vì nơm nớp sợ... sập", một công nhân thoát nước cho biết.
Dự án khôi phục kênh Hàng Bàng (quận 6, TP.HCM) theo kế hoạch thi công và hoàn thành trong năm 2019, thế nhưng đến nay vẫn chưa khởi công vì giải tỏa mặt bằng quá chậm.Dự án khôi phục kênh Hàng Bàng chậm trễ vì chậm giải tỏa
Một người khơi, mười người lấp
Một nhánh rạch khác bắt đầu gần hẻm 435 Huỳnh Tấn Phát chạy dài gần 1km đi xuyên qua khu dân cư thoát ra sông Sài Gòn cũng bị lấn chiếm, trong có có ít nhất 2 căn nhà không số lợp tôn xây dựng trên nền rạch khiến cho con rạch rộng khoảng 4m bị "thắt cổ chai" gần đoạn giữa chỉ còn khoảng 1m.
Lấn rạch quy mô nhất là rạch Ấp Chiến Lược, P.Tân Hưng (Q.7), con rạch dài gần 3km rộng khoảng 20m thoát nước ra sông ông Lớn đang được một đơn vị thi công lấp dần một đoạn dài hơn 100m, chiều ngang khoảng 10m.
Ngày 5-12, có mặt tại khu vực này chúng tôi thấy đất đá còn ngổn ngang, dọc theo con rạch vẫn hiện lên một dải đất dài vừa được san ủi, nhằm phục vụ cho việc mở đường và mở rộng cầu ông Đội 1.
Có những kênh rạch trước đây nước sâu, chảy mạnh nhưng sau thời gian nhà dân lấn chiếm bị thu hẹp, chặn dòng chảy, gãy khúc như ao tù đọng.
Người dân vô tư xả rác xuống rạch Xáng, Q.8, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG |
Suốt chiều dài rạch Bùi Hữu Nghĩa chạy từ đường Diên Hồng đến Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Q.Bình Thạnh), rác lâu ngày đọng lại lâu năm thành nhiều lớp dày, phân rã bốc mùi xú uế.
Tuyến rạch dài chưa đầy 1km nhưng có hàng chục căn nhà đổ cọc xây chắn hẳn lòng rạch. Lối vào rạch bị nhà dân bịt kín, nhân viên kiểm tra thoát nước, vớt rác chỉ tiếp cận được rạch ở một vài điểm hẻm lớn.
Nghiêm trọng nhất là đoạn cuối rạch nằm gần cống thoát nước đường Bùi Hữu Nghĩa đổ ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thuộc phường 1 (Q.Bình Thạnh) đủ loại rác ngập dày không nhìn thấy mặt nước.
Nhà dân lấn chiếm ra giữa lòng rạch, dòng chảy bị chặn, rác tích tụ ngày một dày đặc.
"Lúc trước lâu lâu còn có nhân viên đến dọn rác, gần năm nay họ dừng dọn rác, con rạch chẳng khác gì một bãi rác" - bà Lê Thị Thuận (70 tuổi) ở khu vực này chia sẻ.
Đồ họa: TẤN ĐẠT |
Vấn đề lịch sử nên khó giải quyết?
Từ năm 2016, trong nhiều cuộc họp Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã quyết liệt chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, Trung tâm chống ngập, UBND 24 quận huyện phải có giải pháp chấm dứt tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước trên địa bàn.
Ông Phong đã đi kiểm tra cũng như yêu cầu các Phó chủ tịch UBND TP dẫn đầu các đoàn khảo sát, kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo UBND các quận huyện có động thái tích cực để chuyển biến tình hình.
Chủ tịch UBND các quận huyện phải chịu trách nhiệm nếu trên địa bàn còn tình trạng lấn chiếm. Tuy nhiên cho đến nay tình trạng này vẫn còn tồn tại.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - Phó giám đốc Trung tâm chống ngập TP cho biết, chuyện lấn chiếm các cửa xả, cống thoát nước, kênh rạch ở một số nơi là vấn đề lịch sử.
Muốn giải quyết phải coi lại nguồn gốc nhà, đất, người dân xây dựng nhà cửa, công trình vào thời điểm nào, có thể đền bù hay không?
Tất cả những vấn đề đó địa phương phải có thời gian để rà soát lại, xem xét cơ sở pháp lý nên chậm.
Trung tâm chống ngập không có chức năng xử lý hành vi lấn chiếm mà phải đưa về các sở chuyên ngành nhưng cấp sở cũng chỉ quản lý về sông kênh rạch, còn lấn chiếm sông kênh rạch lại là cấp quận huyện quản lý.
Theo ông Dũng, các địa phương cũng có động thái giải quyết ít nhiều nhưng chuyển biến còn chậm.
Vừa qua, UBND TP tiếp tục chỉ đạo UBND quận, huyện chịu trách nhiệm giải quyết dứt điểm các điểm lấn chiếm xâm hại hệ thống thoát nước.
Đặc biệt đối với các vị trị ảnh hưởng trực tiếp đến thoát nước phải xử lý ngay các giải pháp như tuyên truyền vận động, giải thích, thậm chí cưỡng chế theo đúng quy định và không để phải sinh điểm lấn chiếm mới.
"Nếu chính sách giải quyết tốt người dân sẽ đồng ý di dời. Khi xử lý được tình trạng lấn chiếm thì sẽ cải thiện được rất nhiều vấn đề thoát nước cho TP" - ông Dũng nhận định.
Giải pháp nào? Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong: Sẽ quy trách nhiệm cụ thể
Để giải tỏa được những căn nhà trên kênh này phải lập những dự án cụ thể, rồi chính sách đền bù, hỗ trợ, phương án tái định cư... Tuy nhiên đây là việc không thể một sớm một chiều. Trước mắt, việc cần làm là các cơ quan quản lý tham khảo các nhà khoa học xây dựng "ranh kỹ thuật" tại các con rạch, kênh hoặc hệ thống thoát nước đang bị lấn chiếm. "Ranh kỹ thuật" này được coi như là chỉ giới xây dựng, xác định tạm thời phạm vi lấn chiếm mà người dân được sử dụng, phần còn lại sẽ phải giải tỏa hết, đảm bảo khả năng thoát nước. Bên cạnh trả lại hiện trạng kênh rạch bị lấn chiếm cũng cần phải quyết liệt với câu chuyện xả rác trên kênh rạch, cống thoát nước, hố ga như hiện nay. Các địa phương làm sao phát triển thành những phong trào giám sát cộng đồng, nhà này thấy nhà kia xả rác phải nhắc nhở nhau, phải khơi gợi tinh thần lên tiếng phản đối, ngăn cản hành vi xả rác, lấn chiếm từ cộng đồng. Khi nhắc nhở không được thì chính quyền ra tay xử lý, pháp lý xử lý các hành vi này đã có đầy đủ, vấn đề còn lại là có đủ quyết tâm thực hiện và duy trì không mà thôi. Quăng cả tấm nệm vào cống
Đó là câu chuyện mà công nhân vệ sinh môi trường từng gặp, một hình ảnh tiêu biểu khiến hệ thống cống thoát nước của TP.HCM ngày càng bị tê liệt. Theo Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP.HCM, mỗi ngày công nhân thoát nước phải dọn hàng chục xe rác, bùn đất từ lòng cống và trên các miệng thu trên địa bàn TP. Trong khi nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM còn chưa có cống thoát nước hoặc hệ thống cống vừa chắp vá vừa nhỏ thì tình trạng xả rác khiến tình hình ngập nước nặng nề thêm sau mỗi cơn mưa. "Rác bít cả lòng cống, có cả tấm nệm chèn giữa khiến nước không chảy được, anh em phải bò vào lòng cống gần 10m để lôi ra" - anh Thang Phú Thông, nhân viên Xí nghiệp thoát nước Tây TP, kể lại quá trình "giải cứu" ngập. Anh Huỳnh Thanh Tùng, tổ trưởng công đoàn tổ 1 Xí nghiệp thoát nước Tây TP, cho hay hầu như ngày nào công nhân thoát nước cũng phải thu gom rác trong cống nhưng cống lại đầy rác mới. Rác chủ yếu là bịch nilông, hộp xốp, chai lọ người dân quét, cho vô bao nilông vứt xuống. Hoặc khi nước triều lên, trời mưa xuống cuốn rác trên mặt đường vào các hố ga xuống cống gây tắc nghẽn. Trong đợt ngập vì bão số 9, lượng rác công nhân thoát nước thu được tăng gấp 3-4 lần bình thường. "Riêng đoạn đường Hồ Học Lãm mà xí nghiệp phụ trách dài khoảng 1km mà anh em thu được hơn 1 xe tải rác đầy, nhiều kinh khủng", anh Tùng nói. Gay go không kém là các công trình chống ngập lại vô tình "tiếp tay" với nạn xả rác làm tình trạng ngập nặng thêm. "Đường Huỳnh Tấn Phát đang thi công, đặt cống mới. Tại một số vị trí thi công, công nhân trộn hồ bỏ lại bao ximăng. Mưa ngập các bao bì này bị cuốn xuống cống cản trở thoát nước" - ông Đỗ Văn Công, tổ trưởng tổ 2 Xí nghiệp thoát nước Nam TP, cho biết. Cũng theo ông Công, một vấn nạn đau đầu hiện nay với công nhân thoát nước là sau khi xây dựng, các công trình thường rửa xe, trang thiết bị. Phần ximăng dư chảy xuống cống rồi đông cứng lại gây tắc cống. Nhiều lần nhân viên thoát nước phải dùng đục để phá phần bêtông đông cứng chắn ngay miệng thu nước của cống. |