|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bức tranh ngành bảo hiểm 6 tháng đầu năm: Lợi nhuận kém khả quan do thị trường chứng khoán không thuận lợi

07:26 | 05/08/2022
Chia sẻ
Kết quả lợi nhuận quý II và 6 tháng đầu năm 2022 của các doanh nghiệp bảo hiểm không mấy khả quan do diễn biến của thị trường chứng khoán không thuận lợi và chi phí bồi thường có xu hướng tăng trở lại.

"Lao đao" vì thị trường chứng khoán tụt dốc

Trong quý II,lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm có xu hướng giảm trước diễn biến kém thuận lợi của thị trường tài chính và chi phí bồi thường có xu hướng tăng. 

Theo báo cáo tài chính quý II, Tập đoàn Bảo Việt (Mã: BVH) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.036 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của tập đoàn đạt 827 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ.

Riêng trong quý II, lợi nhuận sau thuế giảm đến 32% so với cùng kỳ, xuống còn 317 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do sự sụt giảm của thị trường chứng khoán trong nửa đầu năm 2022 so với cùng kỳ 2021. 

Với danh mục cổ phiếu có giá trị gốc tính đến cuối tháng 6 là hơn 2.272 tỷ đồng, đại gia bảo hiểm này phải tăng trích lập dự phòng lên gấp 23 lần, từ khoảng hơn 8 tỷ đồng vào cuối năm 2021 lên gần 202 tỷ đồng.

Nguồn: Phương Nga tổng hợp.

Cũng trong tình cảnh tương tự, Bảo hiểm Bảo Long (Mã: BLI) lỗ hơn 65 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý II/2022 do khoản dự trù chi phí từ hoạt động đầu tư chứng khoán cùng khoản chi phí bồi thường bảo hiểm khủng.

Cụ thể, Bảo Long phải dùng vốn dự trù hơn 10 tỷ đồng cho danh mục chứng khoán kinh doanh bao gồm dự phòng hơn 3,7 tỷ đồng cho mã HPG, mã PEG dự phòng hơn 2,7 tỷ đồng, STB 2,1 tỷ đồng, CTD 1,1 tỷ đồng và PCF dự phòng 251 triệu đồng. 

Trong quý II, chi phí bồi thường của doanh nghiệp cũng tăng 85% so với cùng kỳ (hơn 60 tỷ đồng) do phát sinh một số vụ bồi thường lớn. Điều này làm tăng tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Bảo Long khi so sánh với cùng kỳ.

Dù vậy, lợi nhuận trước thuế luỹ kế 6 tháng của Bảo Long vẫn tăng 22% so với cùng kỳ, đạt 95 tỷ đồng. Doanh thu phí bảo hiểm tăng 4% so với cùng kỳ 2021, đạt hơn 775 tỷ đồng.

Trong khi đó, công ty con của Agribank, CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (ABIC) có lợi nhuận trước thuế giảm hơn 41% so với cùng kỳ do chi phí bồi thường tăng tới 35%, tương đương 89,3 tỷ đồng và chi phí khác tăng 18%.

Riêng trong quý II/2022, lợi nhuận trước thuế của ABIC giảm đến 50%, từ 209 tỷ đồng cùng kỳ 2021 xuống còn 124 tỷ đồng. 

Cũng nằm trong nhóm lợi nhuận giảm mạnh, Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Mã: BIC) ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm giảm 27% so với cùng kỳ, còn 163 tỷ đồng.

Kết quả này là do lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm và đầu tư tài chính của BIC giảm mạnh so với cùng kỳ với mức giảm lần lượt là 14% và 27%.

Theo báo cáo cập nhật về ngành bảo hiểm gần đây, CTCP Chứng khoán SSI cũng cho rằng kết quả lợi nhuận quý II/2022 sẽ không mấy khả quan đối với hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm do diễn biến của thị trường chứng khoán không thuận lợi. Ngoại trừ ABI, tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm đều có đầu tư cổ phiếu.

Năm 2021, đầu tư cổ phiếu chiếm khoảng 2-9% tổng danh mục đầu tư và chiếm 10-46% lợi nhuận đầu tư. Các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp bảo hiểm có thể sẽ phải trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư cổ phiếu làm ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng.

Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp bảo hiểm 6 tháng đầu năm. (Nguồn: Phương Nga tổng hợp).  

Trong quý II, Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) ghi nhận lợi nhuận trước thuế thấp nhất kể từ quý III/2020 đạt 22 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ. 

Theo báo cáo tài chính đã công bố, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty tăng 24% lên 835 tỷ đồng. Song tổng chi phi cho hoạt động này tăng mạnh hơn doanh thu thuần, với mức tăng 36%, khiến lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 24% so với cùng kỳ, xuống còn gần 103 tỷ đồng.

Lợi nhuận từ hoạt động tài chính của MIC cũng giảm 28% xuống còn hơn 47 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đến 22% so với cùng kỳ 2021, lên hơn 128 tỷ đồng.

 Nguồn: Phương Nga tổng hợp.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty đạt 1.656 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Dù vậy, chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 33% và 19%, lợi nhuận trước thuế 6 tháng của MIC vẫn giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 107 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bảo hiểm dè dặt với kế hoạch lợi nhuận 

Kết quả khảo sát mới đây của CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho thấy phần lớn doanh nghiệp bảo hiểm dự kiến mức tăng doanh thu ngành bảo hiểm năm 2022 chỉ từ 10 - 14%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng thực tế năm 2021 (24,98%).

Trong đó các doanh nghiệp mảng phi nhân thọ khá thận trọng với kế hoạch tăng lợi nhuận âm hoặc dương nhưng với mức thấp hơn tốc độ tăng doanh thu phí bảo hiểm gốc.

Nguyên nhân của mức kỳ vọng tăng trưởng doanh thu thấp trong năm đến từ ba yếu tố chính gồm xu hướng giảm đà tăng trưởng của nhóm bảo hiểm nhân thọ đã rõ nét hơn trong hai năm trở lại đây, các khoản chi phí tăng mạnh trở lại và cơ hội đầu tư ảm đạm.

Thực tế, theo kế hoạch kinh doanh năm 2022 của các công ty bảo hiểm đã công bố đến thời điểm hiện tại, hầu hết doanh nghiệp đều đặt mục tiêu tăng trưởng khả quan về doanh thu phí bảo hiểm nhưng thận trọng với các kế hoạch lợi nhuận. 

Lý giải về vấn đề này, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng ngoài nguyên nhân về tỷ lệ bồi thường sẽ trở lại mức bình thường từ mức thấp đột biến của năm 2021, việc khởi động lại các chương trình hỗ trợ kinh doanh sau một năm cắt giảm cũng sẽ tác động khiến chi phí bán hàng tăng mạnh. Lợi nhuận gộp từ kinh doanh bảo hiểm, theo đó, có thể sẽ thu hẹp. 

Mặt khác, SSI dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của ngành bảo hiểm vẫn sẽ khả quan trong năm 2022. Đà tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm duy trì ổn định giữa các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (tăng 14,5% so với cùng kỳ) và giảm nhẹ ở các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (tăng 12,6%). Nhóm phân tích kỳ vọng tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm sẽ tăng mạnh hơn trong quý III/2022.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phương Nga

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.