|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thêm một tổ chức dự báo lạm phát sẽ vượt 4%, CPI năm nay có thể lên tới 5,1%

14:48 | 05/05/2022
Chia sẻ
BSC cho rằng lạm phát nhiều khả năng sẽ vượt mốc mục tiêu của Chính phủ vào quý III. Ngoài ra dự báo CPI có thể lên tới 5,1% trong kịch bản tiêu cực.

CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) vừa công bố báo cáo vĩ mô thị trường, đưa ra hai kịch bản tích cực và tiêu cực của Chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Cụ thể, BSC nâng mức dự báo CPI năm 2022 từ mức 3,3% lên 3,6% trong kịch bản tích cực và nâng mức 4,5% lên mức 5,1% trong kịch bản tiêu cực do giá dầu duy trì đà tăng cao. Các giả định chính được BSC đưa ra như sau: Giá dầu Brent trung bình dao động quanh ngưỡng 100 USD/thùng; giá lợn giao dịch trong vùng từ 40.000 – 80.000 VND/kg; giá dịch vụ y tế, giá điện tăng trở lại tăng mạnh trong kịch bản tiêu cực và đi ngang trong kịch bản tích cực.

 Nguồn: Bloomberg, BSC Research.

CPI tháng 4 tăng 2,64% YoY khiến mức CPI trung bình cả năm đạt 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai nguyên nhân CPI tăng so với tháng trước được BSC đưa ra là giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng theo giá nguyên liệu đầu vào sản xuất và giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình tăng theo nhu cầu tiêu dùng.

CPI cơ bản tăng 1,47% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 4, khiến mức bình quân 4 tháng là 0,97%. BSC cho rằng lạm phát duy trì xu hướng tăng cao nhưng vẫn nằm trong mức kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì lạm phát nhiều khả năng sẽ vượt mốc mục tiêu của Chính phủ vào quý III.

Cùng với các dự báo về CPI và lạm phát, báo cáo cũng chỉ ra những tín hiệu phục hồi tích cực từ tình hình đăng ký doanh nghiệp, bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng, xuất nhập khẩu.

Theo đó, trong tháng 4, hoạt động kinh doanh diễn ra khá suôn sẻ. Các doanh nghiệp vẫn đang trên đà hồi phục khi số lượng doanh nghiệp quay trở lại kinh doanh ngày càng cải thiện, đồng thời lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể giảm mạnh.

Bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng cũng đang duy trì đà hồi phục. Bán lẻ tăng 7,64% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tăng mạnh nhờ dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Hai dịch vụ này tăng lần lượt 5,15% và 10,53% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy cầu tiêu dùng của người dân ngày càng cao, tuy rằng chưa thể quay lại mức tăng trưởng trước đại dịch.

Về xuất nhập khẩu, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu duy trì xu hướng hồi phục trong tháng 4. Lũy kế tới cuối tháng 4, xuất khẩu tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu tăng 15,7%.  Lũy kế 4 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 2,53 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu đễn từ nhóm doanh nghiệp XNK trong nước đã hồi phục hoạt động kinh doanh sau khi tình trạng dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát. BSC ước tính tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ đạt mức 18-19% so với cùng kỳ năm và nhập khẩu ở mức mức 17-19% vào cuối năm 2022.

Trong 4 tháng, giải ngân vốn NSNN đạt 109.595 tỷ đồng, bằng 20,6% kế hoạch năm 2022. Theo BSC, mặt bằng giá cả trong nước tăng theo giá cả hàng hóa thế giới đã gây cản trở việc giải ngân vốn NSNN để thực hiện các dự án.

Trong 4 tháng đầu năm, FDI đăng ký mới giảm 56,3% so với cùng kỳ năm ngoái do tình hình kinh tế, chính trị thế giới còn nhiều bất ổn. Tuy nhiên, FDI đăng ký điều chỉnh vẫn tăng mạnh 92,5% so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy dòng vốn nước ngoài vẫn tin tưởng môi trường kinh doanh Việt Nam. BSC cho rằng tốc độ tăng trưởng của vốn FDI thực hiện tuy chưa bằng thời điểm trước dịch nhưng hồi phục mạnh so với hai năm dịch bệnh là 2020 - 2021. 

Minh Thu

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.