|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bỗng dưng mất 5,3 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng

06:55 | 07/05/2024
Chia sẻ
Thấy điện thoại mất sóng khá lâu, bà Trang liên lạc với nhà mạng, được thông báo "có người đã yêu cầu cấp lại sim mới", tiếp đó tài khoản ngân hàng bị rút 5,3 tỷ đồng.

Ngày 6/5, vụ chiếm đoạt tài sản của bà Trang, 40 tuổi, và 5 người khác được TAND TP HCM đưa ra xét xử. Bị cáo Hứa Chấn Hải bị cáo buộc tội Sử dụng mạng máy tính mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Liên quan vụ án, Đào Vương Thùy Thanh Tú bị cáo buộc đồng phạm về tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Có vai trò chủ mưu nhưng Đào Văn Thắng đã bỏ trốn, một số người giúp sức cho bị can này chưa rõ lai lịch, nên Công an TP HCM tách thành vụ án khác tiếp tục điều tra.

Là một trong 6 bị hại của vụ án, bà Trang vắng mặt, ủy quyền cho luật sư Nguyễn Tấn Thi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Bị cáo Hứa Chấn Hải và Đào Vương Thùy Thanh Tú tại tòa. (Ảnh: Hải Duyên).

Bỗng dưng mất sạch tiền trong 3 ngân hàng

Quá trình điều tra, bà Trang trình bày, ngày 30/11/2021 thấy điện thoại bị mất sóng nên liên lạc với tổng đài, được nhân viên cho biết sim điện thoại của bà "đã bị khóa do có yêu cầu cấp lại sim mới". Nơi cấp lại sim là cửa hàng trên đường Lạc Long Quân, quận 11. Tuy nhiên, bà không hề yêu cầu cấp lại sim mới và vẫn đang giữ chứng minh nhân dân (CMND) bản chính.

Bà Trang sau đó kiểm tra tài khoản tại 3 ngân hàng, phát hiện trong đêm 30/11/2021 đến sáng 1/12/2021, kẻ gian đã thực hiện các lệnh giao dịch chiếm đoạt toàn bộ số tiền 5,3 tỷ đồng nên trình báo công an. Bà đồng thời gửi đơn khiếu nại đến lãnh đạo công ty viễn thông.

Theo bà Trang, nếu việc cấp lại sim điện thoại cho bà được thực hiện đúng, đầy đủ các quy định thì không dẫn đến hậu quả khiến bà bị chiếm đoạt số tiền trên. Bà đề nghị công ty phải cung cấp các tư liệu liên quan đến việc cấp lại sim cho kẻ gian để cơ quan điều tra truy tìm thủ phạm.

Đến tháng 11/2022, công an bắt tạm giam Hải và Tú. Khám xét nơi ở của Hải, cảnh sát thu giữ 21 con dấu giả của các cơ quan tổ chức, giấy phép kinh doanh của các công ty cùng hàng chục giấy CMND giả, nhiều điện thoại và thẻ ngân hàng. Riêng Thắng đã bỏ trốn.

5,3 tỷ đồng bị chiếm đoạt thế nào

Khai tại tòa, Hải cho biết, năm 2017, anh ta quen biết Thắng khi còn làm nhân viên ngân hàng. Hai năm sau, khi đã nghỉ việc, anh ta được Thắng thuê tìm người sử dụng CMND giả để mở tài khoản ngân hàng và mua thẻ sim điện thoại để đăng ký nhận mã OTP.

Thắng là người làm giả các CMND, CCCD đã dán ảnh của những người do Hải thuê. Hải được trả công 1,5 triệu đồng trên một tài khoản được mở, trong đó chi cho người đứng tên 500.000 đồng. Một thời gian sau, Thắng trả lương cho Hải theo tháng 20-30 triệu đồng, đồng thời giới thiệu Tú phối hợp cùng.

Đến cuối tháng 11/2021, Thắng cho Hải biết sẽ sử dụng CMND giả để chiếm đoạt số điện thoại của người khác, sau đó sẽ hack tài khoản ngân hàng, mã OTP sẽ được gửi về sim điện thoại đã chiếm đoạt.

Ngày 30/11/2021, Hải sử dụng CMND giả của bà Trang (do Thắng cung cấp), dán ảnh Tú rồi cùng Tú đến cửa hàng nhà mạng yêu cầu cấp lại sim số điện thoại mà Trang sử dụng để đăng ký nhận mã OTP khi giao dịch Internet Banking tại các ngân hàng.

Tiếp đó, Thắng hack 3 tài khoản ngân hàng của bà Trang, nhiều lần thực hiện các giao dịch chuyển số tiền 5,3 tỷ đồng (mã OTP được ngân hàng gửi đến sim điện thoại Hải vừa lấy được) vào các tài khoản của băng nhóm này, chiếm đoạt.

Ảnh CCCD, thông tin cá nhân bị lộ sẽ là "mỏ vàng" của tội phạm công nghệ cao. (Ảnh: Ngọc Thành).

Ngoài ra, từ năm 2019, Hải cùng Thắng truy cập trái phép tài khoản ngân hàng của 5 bị hại khác chiếm đoạt tổng cộng hơn 201 triệu đồng.

Cụ thể, Thắng đã mua thông tin cá nhân của nhiều người mở thẻ tín dụng tại một số ngân hàng (gồm: họ, tên, số điện thoại).

Sau đó, Thắng thuê nhiều người, cùng lập "Nhóm sale" để trao đổi thông tin; gọi cho các bị hại bằng ứng dụng giả đầu số bàn 024 hoặc 028 tự giới thiệu là nhân viên chăm sóc khách hàng, hỏi họ có nhu cầu nâng mức hạn thẻ tín dụng hay không.

Nếu bị hại đồng ý, nhóm Thắng sẽ kết bạn Zalo, yêu cầu chụp hình thẻ tín dụng, CCCD gửi cho mình. Chúng sau đó gửi thông tin của bị hại vào nhóm có tên "Giết khách" trên ứng dụng Telegram.

Nhóm này sẽ sử dụng thông tin của bị hại để đăng ký mua thẻ điện thoại, game online trên các trang thương mại điện tử. Khi chiếm được các mã thẻ điện thoại, thẻ trò chơi, chúng sẽ bán cho những người thu mua và tiền được chuyển vào tài khoản do Thắng chỉ định. Số tiền này chúng chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản rồi giao cho Hải rút tiền mặt.

Nhiều tình tiết chưa rõ

Trả lời HĐXX, Hải khai từng học về lĩnh vực công nghệ thông tin, năm 2016-2017 làm tại bộ phận tín dụng của một ngân hàng nhưng sau đó nghỉ việc và làm dịch vụ liên quan đến lĩnh vực tài chính. Qúa trình giúp sức cho Thắng, Hải được chia tổng cộng 120 triệu đồng.

Liên quan đến các tài liệu giả mà cảnh sát thu được tại nơi ở, Hải khai toàn bộ số tang vật là của Thắng để lại. Căn nhà đó Thắng cho Hải ở nhờ.

Trả lời luật sư bảo vệ quyền lợi của bị hại, Tú khai bản thân làm trong lĩnh vực tài chính, tìm kiếm người giới thiệu đi vay và mở tài khoản ngân hàng. Khi đến cửa hàng đề nghị cấp lại sim điện thoại(của bà Trang), Tú không nhớ đã làm việc với người nào, chỉ biết là một nhân viên nam.

Bị cáo khai có cung cấp 5 số thường xuyên liên lạc đến sim này. Tuy nhiên, luật sư sau đó cung cấp cho tòa văn bản trả lời của nhà mạng rằng "trong hồ sơ cấp lại sim không yêu cầu cung cấp 5 số thường xuyên liên lạc".

Sau nhiều giờ làm việc, HĐXX cho rằng còn nhiều tình tiết trong vụ án cần được làm rõ nên trả hồ sơ cho VKS điều tra bổ sung.

Hải Duyên