ĐHĐCĐ MSB: Trả cổ tức 30%, TGĐ nói về các vụ mất tiền khi gửi tiết kiệm tại ngân hàng
Sáng nay (23/4), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB - Mã: MSB) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 để thảo luận về kết quả và các định hướng kinh doanh, phương án tăng vốn điều lệ, kế hoạch phân phối lợi nhuận và nhân sự.
Đến 9h ngày 23/4, số cổ đông và đại diện ủy quyền tham dự là 185 người, đại diện cho 1,55 tỷ cổ phần được quyền biểu quyết, chiếm tỷ lệ 77,7%. Đại hội đủ điều kiện để tiến hành.
Đang triển khai công ty tài chính số, lợi nhuận 3 tỷ trong năm 2023
Sau khi chia sẻ kết quả kinh doanh năm 2023, Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cho biết ngân hàng đang trong quá trình tham vấn với McKinsey để triển khai công ty tài chính số TNEX Finance.
Theo công bố của MSB, số điểm giới thiệu dịch vụ của TNEX Finance là 21, phục vụ gần 11.700 khách hàng với tổng dư nợ là 2.161 tỷ đồng, doanh thu thuần năm 2023 đạt 233 tỷ đồng, lợi nhuận trước trước thuế gần 3 tỷ đồng. Tỷ lệ xấu vào cuối năm 2023 của công ty là 5,15%.
Năm 2024, MSB trình đại hội mục tiêu tổng tài sản đạt 280.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023; vốn huy động tại thị trường I và trái phiếu huy động vốn đạt 178.900 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước.
Dư nợ tín dụng tăng trưởng theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước cấp theo chính sách điều hành từng thời kỳ, dự kiến năm 2024 có thể đạt khoảng 178.200 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng tăng 17% so với năm 2023, đạt 6.800 tỷ đồng. Nợ xấu hợp nhất (nhóm 3 - 5) duy trì dưới 3% theo quy định.
MSB cũng đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 20.000 tỷ đồng lên 26.000 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30% từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối tính đến thời điểm cuối năm 2023 theo báo cáo tài chính kiểm toán và sau khi trích các quỹ theo luật định. Kế hoạch chia cổ tức này sẽ được thực hiện trong năm 2024.
Ngoài ra, lợi nhuận được tạo ra trong năm 2024 cùng với lợi nhuận để lại sau khi hoàn thành tăng vốn điều lệ dự kiến sẽ được MSB trình đại hội phê duyệt kế hoạch chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận có thể dùng để chi trả cổ tức này với tỷ lệ ≤15% bằng tiền hoặc/và bằng cổ phiếu, thời điểm tạm ứng cổ tức tùy theo diễn biến tình hình thị trường và hoạt động kinh doanh của MSB.
Cũng tại đại hội, HĐQT MSB xin ý kiến là việc thực hiện thủ tục bầu bổ sung thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ VII (2022 – 2026). Theo tờ trình, MSB sẽ bầu thêm hai thành viên trong HĐQT sau khi bà Nguyễn Thị Thiên Hương có đơn từ nhiệm.
Hai ứng cử viên dự kiến bầu vào HĐQT là bà Đào Minh Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng tín dụng và Đầu tư MSB và ông Võ Tấn Long, Chủ tịch Ủy ban Công nghệ MSB.
Theo công bố, bà Minh Anh sinh năm 1972, có trình độ học vấn là Cử nhân Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, Viện công nghệ châu Á AIT - Thái Lan. Bà đã công tác trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng kể từ năm 1998 tại BIDV, VIB, OCB và MSB.
Ông Tấn Long sinh năm 1968, có trình độ Kỹ sư điện tử tại Trường Đại học Kỹ thuật Điện Leningrad, Tiến sỹ Vật lý và Toán học, Trường Đại học Saint Petersburg State Electrical Engineering. Ông đã bắt đầu công tác trong ngành tài chính - ngân hàng kể từ năm 2013 và từng làm việc cho các công ty như IBM, VPBank, PWC, MSB, ROX.
Tuy nhiên theo cập nhật tại đại hội, chỉ còn một ứng viên vào HĐQT là ông Võ Tấn Long.
THẢO LUẬN:
- Ngân hàng cập nhật kết quả kinh doanh quý I?
Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh: Trong năm 2024, nền kinh tế vẫn khó khăn nhưng trong quý I, MSB vẫn duy trì tăng trưởng đáng khả quan. Tổng tài sản đạt 280.000 tỷ đồng, tăng trưởng trên 4%. Tăng trưởng tín dụng trên 5%, cho vay khách hàng đạt 158.000 tỷ đồng, tăng 4,7%, tiền gửi đạt 138.000 tỷ đồng, tăng 4,1%. Lợi nhuận trước thuế ở mức 1.500 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Trong quý I, hoạt động ngoại hối đạt gần 600 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. CAR (tỷ lệ an toàn vốn) đảm bảo trên 12%, CIR (tỷ lệ tối ưu chi phí) giảm còn 33%.
Các chỉ số khác như MTIT ở mức 28,8%, LDR 68,9%, NIM tổng thể ở mức 3,87%. CASA (tiền gửi không kỳ hạn) vẫn tăng 14,64%, chiếm 29% tổng tiền gửi. Theo dự báo của MSB, năm 2024 sẽ khó khăn hết 6 tháng đầu năm, nhưng ngân hàng vẫn tin tưởng sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 6.800 tỷ đồng đã đặt ra.
- Ngân hàng thông tin về trường hợp mất tiền khi gửi tại MSB? Vụ việc này ảnh hưởng thế nào đến hoạt động ngân hàng?
Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh: MSB khẳng định khách hàng chân chính tham gia dịch vụ tiền gửi luôn được đảm bảo quyền lợi. MSB đã chủ động phát hiện, đưa ra cơ quan công an để làm rõ sự việc. MSB luôn luôn tôn trọng quyền phán quyết của cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi khách hàng nếu là khách hàng tốt, chân chính trong hoạt động giao dịch với MSB.
Việc tổn thất hoặc mất tiền trong giao dịch ngân hàng là không hề đơn giản nếu việc gửi tiền được thực hiện đầy đủ quy trình, đầy đủ thông tin mở tài khoản như số điện thoại, email, kích hoạt các hệ thống giám sát thông tin …
Trong quan hệ khách hàng, chưa bao giờ có những dịch vụ đặt ngoài những thông tin đã công bố công khai, minh bạch ở quầy giao dịch hay các phương tiện truyền thông. Dịch vụ lạ, bất ngờ thì không thuộc MSB. Khách hàng MSB thông minh nên sự việc xảy ra thì số dư tiền gửi vẫn ổn định không bị ảnh hưởng do sự cố truyền thông.
Trong hoạt động quản trị rủi ro, ngân hàng đã trích ra hơn 2.000 tỷ đồng vào năm ngoái. Nếu rủi ro thực sự chỉ vài chục tỷ đồng thì không ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng.
Phó Chủ tịch HĐQT MSB Nguyễn Hoàng An: Khi ngân hàng càng hiện đại, các đối tượng càng lợi dụng để chiếm quyền kiểm soát, chiếm tiền khách hàng. Thực tế không riêng MSB, việc tội phạm lợi dụng chiếm tiền, chiếm quyền kiểm soát diễn ra rất phổ biến.
Vụ việc MSB được đưa ra công an, nếu vì cán bộ biến chất và quy trình thực hiện đúng thì khách hàng sẽ được thanh toán đầy đủ. Vụ việc đã được đưa ra từ tháng 10 năm ngoái. Có dấu hiệu khách hàng cấu kết với ngân hàng, nên cơ quan công an đang truy vết dòng tiền.
- Việc chuyển đổi sang core banking có ảnh hưởng gì không? Rủi ro là gì, tiến độ hoàn thiện đến mức nào?
Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh: Để phục vụ hoạt động, MSB sẽ chuyển đổi core banking vào cuối tháng 4, trong giai đoạn kỳ nghỉ lễ. MSB trải qua hai lần chuyển đổi vào năm 2002 và lần hợp nhất với Mekong Bank. Ngân hàng đã được chuyên gia làm việc liên tục hơn 2 năm để hoàn thiện.
Rủi ro không lớn, chỉ có một chút gián đoạn trong quá trình chuyển đổi, nhưng sẽ rất nhanh. MSB sẽ chọn thời điểm ít giao dịch nhất, vào kỳ nghỉ lễ. Hoạt động giao dịch của khách hàng sẽ vẫn bình thường, không gián đoạn và được ghi nhận đầy đủ.
-Triển vọng NIM 2024 - 2025? Triển vọng thị trường BĐS năm 2024?
Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh: Cuối năm 2023, đầu năm 2024, lãi suất huy động và tiền vay đều giảm theo chỉ đạo của NHNN, tuy nhiên do quản trị tốt và CASA khả quan nên NIM có cải thiện, cao so với thị trường.
Trong quản trị rủi ro, MSB có bộ phận dự báo về biến động nền kinh tế, ngành. Định kỳ hàng tháng, quý vẫn có đánh giá lại giá trị BĐS được sử dụng làm tài sản đảm bảo. Danh mục đầu tư BĐS của MSB tương đối thấp, không nằm trong ngưỡng cảnh báo. Theo quan điểm MSB, thị trường bất động sản sẽ có sự khởi sắc. Với các luật sắp có hiệu lực, động thái ổn định thị trường, lãi suất thấp thì ngành BĐS sẽ có kết quả khả quan. Đồng thời tín dụng liên quan BĐS cũng sẽ khởi sắc.
- MSB có ghi nhận thêm phí upfront banca trong năm 2024 hay không? Ngân hàng có kế hoạch bán FCCOM hay không?
Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh: Năm 2023 đã ghi nhận toàn bộ phí upfront banca với Prudential rồi.
FCCOM đã được đổi tên thành TNEX Finance và ngân hàng cùng với McKinsey đang xây dựng kế hoạch 6 tháng, 1 năm cho mô hình mới.
Tuy nhiên, MSB vẫn “mở” trong các trường hợp liên kết, tham gia TNEX Finance. Đang có ba nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) hợp tác với FCCOM. MSB vẫn để mở các khả năng.
- Có kế hoạch phát hành cho cổ đông chiến lược?
Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh: Như những lần trả lời trước đây, ngân hàng vẫn để ngỏ phương án này và hiện đã làm việc với một số đối tác. Năm ngoái đã làm việc hai tổ chức, trong đó có tổ chức đến từ Đức, để mời cổ đông nước ngoài (CĐNN). So với quy mô tài sản, vốn điều lệ của MSB hiện đã đáp ứng được yêu cầu NHNN, tiêu chuẩn Basel … nên không cần tăng vốn. Thay vào đó, ngân hàng muốn CĐNN mang lại giá trị về quản trị rủi ro, phát triển KD, chuyển đổi số. Nếu có kế hoạch phát hành thì sẽ báo cáo chia sẻ chi tiết hơn cho cổ đông.
Đại hội thông qua tất cả tờ trình.