Bộ Xây dựng nói gì khi không kỷ luật được lãnh đạo HUD mắc sai phạm?
HUD1 nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án Sky Central, thâu tóm 1,3ha đất vàng Định Công | |
Ngổn ngang sai phạm tại Tổng Công ty HUD xử lý ra sao? |
Thanh tra Chính phủ đã từng chỉ ra một loạt thiếu sót, vi phạm của HUD trong quản lý vốn, tài sản... |
Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo Thủ tướng về việc xử lý sau thanh tra tại Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị Hà Nội (HUD). Kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại HUD được công bố từ năm 2015.
Đến năm 2017, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình tiếp tục yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương kiểm điểm trách nhiệm với những trường hợp cán bộ có vi phạm, khuyết điểm nhưng đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. Đồng thời yêu cầu HUD xử lý dứt điểm những tồn tại sau thanh tra.
Trong báo cáo vừa được tới Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ cho biết thời điểm năm 2016, Bộ Xây dựng đã thành lập Hội đồng kỷ luật để xử lý sai phạm tại HUD. Tuy nhiên, chưa xem xét kỷ luật đối với các cá nhân đã nghỉ hưu và 3 cán bộ đã chuyển công tác. Hội đồng kỷ luật của Bộ Xây dựng cũng chưa kiến nghị để cấp có thểm quyền quyết định xử lý kỷ luật theo quy định.
Theo lý giải của Bộ Xây dựng, quy định tại Nghị định số 97 của Chính phủ về quản lý người giữ chức vụ tại công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn thì "thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ thời điểm người quản lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật, cho đến ngày cấp có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản xem xét, kỷ luật".
Do vậy, Bộ Xây dựng cho rằng, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cá nhân có vi phạm đã hết nên không đủ căn cứ pháp lý để xem xét thi hành kỷ luật. Mặt khác theo Bộ Xây dựng, hiện nay chưa có quy định xử lý kỷ luật đối với các trường hợp nghỉ hưu.
Trên cơ sở đó, Bộ cho biết đối với 4 cá nhân gồm ông Nguyễn Đăng Nam - nguyên Chủ tịch hội đồng thành viên, ông Nghiêm Văn Bang - Chủ tịch HĐTV, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera (là HĐTV tại HUD) và ông Ngô Doãn - thành viên HĐTV kiêm trưởng ban kiểm soát nội bộ chỉ áp dụng hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và không được xem xét thi đua khen thưởng năm 2015, trong đó 2 cá nhân bị đề nghị khiển trách.
Với những cán bộ do HUD quản lý, Bộ Xây dựng cho biết doanh nghiệp cũng đã thành lập Hội đồng kỷ luật, họp kiểm điểm trách nhiệm đối với 3 cán bộ thuộc thẩm quyền đơn vị này quản lý với hình thức cảnh cáo. Tuy nhiên, với những trường hợp này, theo Bộ Xây dựng cũng đã quá thời hiệu để xử lý kỷ luật.
Thời điểm các cá nhân có hành vi vi phạm là giai đoạn 2010-2012, nhưng đến ngày 14/4/2015 Thanh tra Chính phủ mới có kết luận, như vậy đã quá thời hạn xử lý kỷ luật đối với 3 trường hợp này.
Sau khi được yêu cầu báo cáo, Bộ Xây dựng, Tổng công ty HUD tiếp tục đề nghị không xem xét xử lý kỷ luật đối với những trường hợp đã được Hội đồng kỷ luật của Bộ Xây dựng, HUD đề nghị hình thức kỷ luật nhưng đã quá thời hiệu kỷ luật và pháp luật chưa có quy định về xử lý kỷ luật đối với những trường hợp nghỉ hưu, chuyển công tác.
Liên quan đến vấn đề chưa thực hiện kỷ luật đối với cán bộ vi phạm do vướng mắc về quy định pháp luật như nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng xem xét, quyết định.
Đối với Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị tiếp tục chỉ đạo, thực hiện xử lý khắc phục theo thẩm quyền đối với những tồn tại, vi phạm của HUD được nêu tại kết luận thanh tra, tiếp tục xem xét, kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân của Bộ Xây dựng được nêu tại kết luận thanh tra.
Trước đó, tại kết luận được công bố hồi tháng 4/2015, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra một loạt thiếu sót, vi phạm của HUD trong quản lý vốn, tài sản; sử dụng vốn đầu tư dự án kinh doanh; thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước… Chẳng hạn như việc thiếu trách nhiệm trong việc quyết định đầu tư, kinh doanh dự án đô thị.
Cụ thể, từ năm 2011 về trước, HUD đã quyết định các dự án đầu tư vượt xa năng lực tài chính và quản trị, dẫn đến chậm và trì trệ trong việc triển khai các dự án, sản phẩm dở dang quá nhiều, hàng tồn kho lớn, chậm luân chuyển, đẩy HUD và một số đơn vị thành đến tình trạng khó khăn như hiện nay. Nợ lớn phải trả, cân đối khả năng thanh toán khó khăn, nợ phải thu chậm thu hồi, phát sinh quá hạn; doanh thu, thu nhập giảm mạnh, kinh doanh kém hiệu quả.
Bên cạnh đó còn có trách nhiệm trong việc làm trái và buông lỏng quản lý trong hoạt động uỷ quyền kinh doanh dự án cho các đơn vị thành viên quy mô lớn hay thiếu trách nhiệm đối với việc trích trước chi phí trọng yếu trong kinh doanh bất động sản vào giá vốn kinh doanh…