Bộ Xây dựng chỉ ra nhiều hạn chế của Luật Kinh doanh bất động sản
Tại Báo cáo Tổng kết việc thi hành các luật liên quan đến xây dựng, nhà ở, quy hoạch, bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng cho biết, Luật Kinh doanh BĐS 2014 đã định hướng, tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan quản lý nhà nước từng bước quản lý hiệu quả, đưa hoạt động của thị trường BĐS đi vào nề nếp, ngày càng minh bạch, công khai.
Từ sau khi Luật Kinh doanh BĐS 2014 và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành đến nay, thị trường BĐS từng bước phát triển. Giao dịch trong 3 năm qua luôn duy trì ổn định, giá BĐS khá ổn định không có hiện tượng tăng giá đột biến; tồn kho liên tục giảm.
Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã bộc lộ nhiều hạn chế. |
Hàng hóa BĐS phát triển ngày càng đa dạng đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất của xã hội. Thị trường BĐS phát triển đã tạo động lực thu hút các nhà đầu tư cũng như tăng khả năng cạnh tranh của các DN, tác động tích cực tới sự phát triển của các ngành kinh tế khác, tạo nhiều công ăn việc làm và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, 3 năm thực hiện Luật cho thấy Luật Kinh doanh BĐS có nhiều tồn tại, bất cập, theo đó, Luật Kinh doanh BĐS và các văn bản hướng dẫn có một số điều chưa phù hợp với Luật Đầu tư và Luật DN như quy định về vốn pháp định, điều kiện kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, điều kiện thành lập sàn giao dịch BĐS.
Về hoạt động của thị trường, theo Bộ Xây dựng, thị trường BĐS phát triển thiếu ổn định, cơ cấu các loại hình nhà ở phát triển mất cân đối, không hợp lý, các tổ chức hỗ trợ thị trường BĐS, hoạt động kinh doanh BĐS chưa tương xứng với yêu cầu phát triển của thị trường, tính chuyên nghiệp chưa cao.
Bên cạnh đó, tài chính, tín dụng cho phát triển thị trường BĐS chưa hoàn thiện; thị trường BĐS vẫn phụ thuộc lớn vào động thái của chính sách tiền tệ, tín dụng; thông tin thị trường BĐS khó tiếp cận, thiếu minh bạch.
Một số tồn tại, bất cập, hạn chế cụ thể của Luật Kinh doanh BĐS 2014 đã được Bộ Xây dựng nêu đích danh.
Ví dụ, Điều 10 của Luật Kinh doanh BĐS 2014 quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS phải thành lập DN hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là DN) và có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng”.
Tuy nhiên, hiện Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Luật DN số 68/2014/QH13 không còn quy định về vốn pháp định của DN khi thành lập. Như vậy, quy định này của Luật Kinh doanh BĐS không thống nhất với 2 Luật trên. Mặt khác, Luật Đất đai đã có quy định về điều kiện năng lực tài chính của DN khi làm chủ đầu tư dự án BĐS. Do vậy, việc quy định vốn pháp định trong Luật Kinh doanh BĐS là không cần thiết.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, Điều 62 của Luật Kinh doanh BĐS quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS phải thành lập DN và phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS”.
Tuy nhiên, Luật DN quy định, khi thành lập DN thì chưa cần có điều kiện kinh doanh. Khi DN hoạt động kinh doanh các ngành nghề có điều kiện thì mới cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh cụ thể. Mặt khác, Điều 62 của Luật Kinh doanh BĐS đã quy định cá nhân hành nghề môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề. Do vậy, quy định nêu trên của Luật Kinh doanh BĐS là không cần thiết.
Cũng theo Bộ Xây dựng, khoản 3 Điều 62 Luật Kinh doanh BĐS quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS không được đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh BĐS” là quy định không hợp lý vì cá nhân môi giới BĐS cũng có quyền mua hoặc bán BĐS của mình.
Tương tự, Điều 69 của Luật quy định: “DN kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BDS phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS; người quản lý, điều hành sàn giao dịch BĐS phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS.”, theo Bộ Xây dựng, đây cũng là quy định không cần thiết.
Bộ Xây dựng cho biết, khoản 3 Điều 69 của Luật Kinh doanh bất động sản quy định: “Sàn giao dịch bất động sản phải có quy chế hoạt động, tên, địa chỉ, cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động”. Quy định này được thực hiện từ năm 2006, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BĐS thì việc quy định về quy chế hoạt động, tên, địa chỉ, cơ sở vật chất, kỹ thuật là không còn cần thiết.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/