|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Giá đất ảo nhưng có thể thế chấp vay tiền ngân hàng là thực, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ

16:18 | 16/03/2022
Chia sẻ
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng việc thổi giá, đằng sau còn rất nhiều hệ lụy, đặc biệt là giá ảo, nhưng có thể thế chấp và rút tiền ngân hàng là thực, làm ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ và nhiều vấn đề khác.

Chiều 16/3, Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Nội dung được nhiều đại biểu chất vấn là đấu giá đất.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cho biết, dư luận cử tri nêu, việc đấu giá đất tại nhiều nơi có hiện tượng bắt tay ngầm để tạo sóng. Có nhiều trường hợp nhà đầu tư trả giá "trên trời" rồi âm thầm bỏ cọc, kết quả trúng đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm, điển hình như vụ đấu giá đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức vừa qua. 

Điều đó làm hiện tượng làm nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao, tạo ra hiện tượng "sốt đất ảo", thiết lập mặt bằng giá đất mới khiến quá trình giải phóng mặt bằng triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, gây mất trật tự, an ninh xã hội.

Đại biểu Đại Thắng đề nghị Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho giải pháp trong thời gian tới để khắc phục tình trạng này.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết vấn đề đấu giá đất, trong thời gian vừa qua đã nổi lên, không chỉ có "thổi giá" mà thực tế còn có "dìm giá", "quân xanh quân đỏ", là điều hết sức bức xúc. 

"Ảnh hưởng của nó là hết sức nghiêm trọng, làm biến động thị trường bất động sản, làm thất thoát tài sản của Nhà nước và thứ ba tạo ra mặt bằng giá mới, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống kinh tế. Nếu nói sâu hơn nữa, việc thổi giá, đằng sau còn rất nhiều hệ lụy, đặc biệt là giá ảo, nhưng có thể thế chấp và rút tiền ngân hàng là thực, làm ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ và nhiều vấn đề khác", Bộ trưởng nói.

Dưới góc độ của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ liên quan, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, các bộ đã có đánh giá kỹ lưỡng và đặc biệt có nghiên cứu của các hiệp hội góp ý, chỉ ra các nguyên nhân.

Nguyên nhân đầu tiên, xét dưới góc độ pháp luật, vấn đề này đang được điều chỉnh bởi các luật khác nhau: Luật Đấu giá, Luật Đất đai, các quy định liên quan về Tài chính, Thuế... Trong đó, do có nhiều luật nên các quy định thiếu cụ thể, kể cả trình tự, phương thức, đặc biệt là đối với loại tài sản mà giá trị về tài nguyên khác biệt như đất đai thì không thể so sánh với loại tài sản khác.

Bộ trưởng cho rằng cần có quy định, phương pháp, trình tự khác hơn, chặt chẽ hơn, để đấu giá đối với tài sản là đất đai. Hiện nay, Luật đất đai mới chỉ quy định các điều kiện về doanh nghiệp tham gia đấu giá, nhưng chưa quy định điều kiện cụ thể liên quan đến năng lực của doanh nghiệp, chấp hành kỷ cương pháp luật nói chung, hay kinh nghiệm thực tiễn,... Hay việc như thế nào là cuộc đấu giá bình thường, như thế nào là không bình thường thì cần có quy định bởi pháp luật, để cho người tham gia đấu giá chịu trách nhiệm, vừa có cơ sở pháp lý để điều chỉnh.

Bộ trưởng cũng cho rằng phải có chế tài mạnh mẽ hơn, nếu doanh nghiệp sau khi đấu giá xong rồi bỏ cọc thì phải bị xử lý, để lần sau họ không tham gia được, như vậy mới đủ sức răn đe. Bộ trưởng đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý cơ quan công quyền và doanh nghiệp lợi dụng vấn đề đấu giá.

Về vấn đề "quân xanh, quân đỏ", Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, đây là vấn đề có thực, cần phải nghiên cứu để lựa chọn hình thức phù hợp, chọn ra nhà đầu tư có năng lực, tăng cường kỷ cương, trách nhiệm thanh kiểm tra.

Anh Đào