|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Washington không vũ khí hóa đồng USD

14:38 | 16/12/2019
Chia sẻ
Hôm 14/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã bác bỏ nhận định chính quyền Tổng thống Trump vũ khí hóa đồng USD thông qua các chính sách hạn chế thương mại với nhiều quốc gia khác.
106076046-1565695759017gettyimages-1159933002

Ảnh: CNBC

Trang tin CNBC trích dẫn lời Bộ trưởng Mnuchin tại Diễn đàn Doha (Qatar) hôm 14/12 rằng: "Hãy để tôi nói rõ: chúng tôi không vũ khí hóa đồng USD".

"Nếu có bất kì điều gì đi ngược lại lời tôi nói, tôi sẽ chịu trách nhiệm. Mọi người sử dụng đồng bạc xanh như một đồng tiền dự trữ của thế giới và nó khá mạnh, đôi khi Tổng thống Trump chỉ trích rằng đồng USD đang quá mạnh so với một số đồng tiền khác", ông nói.

Ông Mnuchin cho biết đồng USD mạnh vì nền kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định và do mọi người muốn dự trữ đồng tiền này cũng như duy trì sức mạnh của nó. "Vì thế, chúng tôi cực kì nghiêm túc khi cân nhắc trừng phạt các nước khác vì vấn đề tiền tệ", ông nói thêm.

Quan chức Trung Quốc và châu Âu đã tích cực quảng bá đồng tiền của họ như một lựa chọn thay thế cho đồng USD trong khía cạnh dự trữ và giao dịch, đặc biệt là khi phải đối mặt với lệnh trừng phạt và các chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ như thuế quan.

Chính quyền Tổng thống Trump đã áp lệnh trừng phạt lên giao dịch đồng USD với Iran, Triều Tiên,... Động thái này cản trở các đồng minh châu Âu và một số đối tác khác của Mỹ giao dịch với Iran.

Vì vậy, một số tiểu bang tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tìm đến đồng euro cũng như lựa chọn thay thế khác như đồng nhân dân tệ và tiền ảo để thực hiện giao dịch mà không chịu rủi ro bị áp trừng phạt của chính phủ Mỹ.

Đầu năm nay, Pháp, Đức và Anh đã thiết lập Công cụ Hỗ trợ Trao đổi Thương mại (INSTEX), sử dụng đồng euro để né tránh lệnh trừng phạt Mỹ áp lên Iran.

Mặc dù không mang lại hiệu quả kinh tế, công cụ trên là dấu hiệu cho thấy ngay cả các đồng minh của Mỹ cũng đang tìm kiếm lựa chọn thay thế cho đồng bạc xanh để phản đối chính sách của Washington mà họ không nhất trí.

Kể từ năm 2013, Ngân hàng Trung ương Nga cũng đã cố gắng giảm số lượng giao dịch được thực hiện thông qua đồng USD cho thanh toán trong nước hoặc ngoại thương.

Vào năm 2016, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã được thêm vào giỏ tiền tệ đặc biệt của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng với đồng USD, euro, yên Nhật và bảng Anh. Theo IMF, việc thêm đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền góp phần "tăng sức hấp dẫn của đồng tiền Trung Quốc như một tài sản dự trữ quốc tế".

Tuy nhiên, đáng chú ý là 80% năng lượng nhập khẩu của châu Âu năm 2018 được thực hiện bằng đồng USD, điều mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker gọi là "vô lí".

Song, Bộ trưởng Mnuchin cho hay loạt biện pháp trừng phạt áp lên Iran nhằm mục đích tránh nguy cơ chiến tranh. Ngoài ra, mặc dù đồng USD dường như vẫn duy trì được sự ưu việt trên thị trường toàn cầu, ông Mnuchin thừa nhận rằng phải có sự cân bằng trong việc thiết lập chính sách giám sát thương mại quốc tế.

"Mọi người không nhất thiết phải sử dụng đồng USD, chúng tôi có quyền áp lệnh trừng phạt đối với những người sử dụng đồng USD. Như vậy trong một thời gian dài, nếu chúng tôi bất cẩn, mọi người sẽ tìm đến các đồng tiền khác", ông nói.

CNBC nhận định vai trò của đồng USD như một đồng tiền dự trữ hàng đầu đang thoái trào, mặc dù diễn ra với tốc độ rất chậm.

Yên Khê