|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Singapore mong muốn thúc đẩy kết nối về cơ sở hạ tầng điện với Việt Nam

16:33 | 07/07/2023
Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Lao động, Thứ hai Bộ Công thương Singapore Tan See Leng, dự án tích hợp điện năng của Lào, Thái Lan, Malaysia và Singapore sẽ thúc đẩy những kết nối trong khu vực và giúp mạng lưới điện ASEAN hoàn thiện hơn. Ông cũng kỳ vọng thúc đẩy những kết nối về cơ sở hạ tầng điện với Việt Nam.

Thảo luận tại phiên khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Khu vực Singapore (SBRF) diễn ra sáng 7/7, các đại biểu đã bàn luận về các chủ đề liên quan đến tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy những khát vọng chung của các quốc gia. Từ chuyển đổi năng lượng đến tương tác kỹ thuật số, hợp tác giữa khu vực công và tư,...

Một trong những vấn đề được cả Việt Nam và Singapore quan tâm là việc phát triển bền vững trong đó có năng lượng tái tạo. 

Bộ trưởng Lao động, Bộ trưởng Thứ hai Bộ Công thương Singapore, Tiến sĩ Tan See Leng phát biểu trong phiên thảo luận. (Anh: Minh Quang).

Thúc đẩy lưới điện ASEAN

Trong bài phát biểu mở đầu diễn đàn, Bộ trưởng Tan See Leng chỉ ra ba lĩnh vực tiềm năng và Việt Nam và Singapore có thể hợp tác trong thập kỷ tiếp theo gồm: Đổi mới sáng tạo, năng lượng, phát triển bền vững.

Về lĩnh vực năng lượng, ông kỳ vọng Singapore và Việt Nam cùng chia sẻ tầm nhìn đạt được phát thải ròng bằng không (net-zero) vào năm 2050. "Để đạt được mục tiêu này, hai nước cần phải nhân rộng hợp tác trong khu vực không chỉ với những nỗ lực giảm phát thải carbon, mà đồng thời cũng phải thúc đẩy những kết nối về cơ sở hạ tầng”, ông nói.

Bộ trưởng Lao động, Thứ hai Bộ Công thương cho rằng, dự án tích hợp điện năng của Lào, Thái Lan, Malaysia và Singapore sẽ thúc đẩy những kết nối trong khu vực và giúp mạng lưới điện ASEAN hoàn thiện hơn.

“Biên bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng được ký kết vào năm 2022 giữa Việt Nam và Singapore đã mở đường cho hai bên xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn nữa trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, thương mại về điện năng, khí hóa lỏng (LNG) hay thị trường điện”, ông nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Minh Quang).

Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo

Đánh giá Việt Nam có đường bờ biển dài có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, Bộ trưởng Tan See Leng nhấn mạnh cả hai bên cần tăng cường hợp tác khu vực về một tương lai bền vững, xây dựng những nền tảng, phương tiện để cho hai bên có thể nhìn thấy tiềm năng của nhau. Trong đó, cần tính đến hệ thống để lưu trữ năng lượng hoặc xuất khẩu.

Hiện nay, Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU) của Singapore đang cùng Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) khảo sát dự án điện gió ngoài khơi để xuất khẩu sang Singapore. 

Theo Tổng Giám đốc PTSC, đây là một dự án đầy tham vọng nhưng hoàn toàn khả thi với sự hỗ trợ của Chính phủ hai nước và các đơn vị có liên quan.  

"Ngoài ra, một trong những điều mà Việt Nam đang làm rất tốt là quá trình chuyển sang năng lượng hydrogen xanh”, ông nói. 

Liên quan đến vấn đề năng lượng tái tạo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để đạt được phát thải ròng bằng không (net-zero) vào năm 2050 là một mục tiêu hết sức khó khăn đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

"Chúng tôi hi vọng nhận được sự hỗ trợ từ Singapore về cả mặt kĩ thuật lẫn tài chính", Bộ trưởng nói.

Hiện nay, tiềm năng thủy điện của Việt Nam không còn nhiều dư địa, trong khi Việt Nam không khuyến khích phát triển năng lượng hóa thạch, chẳng hạn như điện than.

Thay vào đó, Việt Nam đang phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời, song hai loại năng lượng này không ổn định và phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Bởi vậy, Việt Nam hướng tới khai thác điện sinh khối, hydro xanh. Bộ trưởng cũng cho biết không loại trừ sẽ quay lại phát triển điện hạt nhân để tạo điện nền, ổn định với mức chi phí hợp lý.

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thông tin thêm về 4 lĩnh vực ưu tiên mà Việt Nam cần phát triển để tạo động lực mới cho nền kinh tế, gồm: Đổi mới sáng tạo, xây dựng trung tâm tài chính tại TP HCM, phát triển chip bán dẫn và hydro xanh.

Theo ông, những lĩnh vực này sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển rất cao vào năm 2030 và năm 2045 cũng như mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không (net-zero) vào năm 2050.

Kết thúc phần tham luận, ông Dũng khẳng định rằng Việt Nam luôn nỗ lực trong công cuộc cải cách, tạo mọi điều kiện thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp và luôn xác định doanh nghiệp là yếu tố rất quan trọng của nền kinh tế. 

Minh Quang

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.