Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nếu còn vi phạm EC kiên quyết không rút 'thẻ vàng'
Ngày 8/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo qui định (Ban Chỉ đạo IUU) theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), báo Chính phủ đưa tin.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, Thường trực Ban Chỉ đạo, tính đến ngày 31/8, số lượng tàu cá cả nước đã lắp thiết bị giám sát hành trình là 24.851/30.851 tàu từ 15 m trở lên, đạt tỉ lệ 80,61%. Tuy nhiên, còn thực trạng rất nhiều tàu khi ra khơi gỡ bỏ thiết bị giám sát bỏ xuống biển, còn tàu thì di chuyển ra chỗ khác để đánh bắt.
Về tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, từ đầu năm 2020 đến ngày 31/8, đã xảy ra 57 vụ/92 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lí so với cùng kì năm 2019, giảm 53 vụ/89 tàu.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết sau gần 3 năm bị EC phạt thẻ vàng, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của hệ thống chính trị, các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp, Việt Nam đã hoàn thành được khối lượng công việc lớn theo 4 nhóm mà EC khuyến nghị.
“Ủy ban châu Âu đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, song vẫn chưa đồng tình cao, vì 6 tháng vừa qua vẫn còn ngư dân vi phạm vùng đánh bắt hải sản. EC nói, nếu còn vi phạm thì kiên quyết không rút “thẻ vàng”", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lo ngại.
Một thực trạng khác là công tác thực thi pháp luật được tăng cường nhưng kết quả còn hạn chế so với các vụ việc vi phạm, rất ít vụ việc bị khởi tố để răn đe.
Về vấn đề này, theo đại diện Bộ Công an, thời gian qua, lực lượng công an đã điều tra xử lí việc môi giới, móc nối đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; phát hiện 8 nhóm đối tượng nghi vấn đưa tàu và người dân đi khai thác trái phép.
Tuy nhiên, công tác xử lí vi phạm còn nhiều hạn chế. Việc thu thập tài liệu, chứng cứ rất khó khăn vì những đối tượng vi phạm có thủ đoạn rất tinh vi.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, trong thời gian qua, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với phía EC trong công tác chống khai thác IUU. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để chống khai thác cá trái phép, không báo cáo, không theo qui định.
Tuy nhiên những kết quả này vẫn chưa đạt yêu cầu, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá vẫn chưa hoàn thành.
Công tác kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam còn yếu, thiếu chuyên nghiệp, chưa bảo đảm độ tin cậy. Cơ chế phối hợp thực thi giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan chưa bảo đảm yêu cầu...
Do đó, từ đây đến cuối năm, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung quán triệt, tổ chức triển khai nghiêm túc các chỉ thị, ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các văn bản chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về IUU và các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Các bộ, ban, ngành Trung ương liên quan và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển cần chủ động đề ra các nhiệm vụ, giải pháp với lộ trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, đồng thời thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện, kịp thời báo cáo những vẫn đề mới phát sinh, vượt thẩm quyền.
Trong đó, quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, đặc biệt là trong công tác xử lí hành vi khai thác IUU.
Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền trong và ngoài nước về kết quả triển khai chống khai thác IUU. Tập trung, quyết liệt triển khai các giải pháp, kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.