Hà Nội 19 °C | 01:51PM, 09/01/2025
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi) tạo không gian, nguồn lực cho phát triển đất nước

22:00 | 20/02/2023
Chia sẻ
Theo Bộ trưởng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là Đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung và của từng bộ, ngành, địa phương nói riêng, đặc biệt là với ngành công thương.

 Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. (Ảnh: Hữu Kiên/TTXVN).

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, chiều 20/2, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và triển khai các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ về việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, đất đai là nguồn tài nguyên quý giá, là nguồn lực vô cùng to lớn để phát triển đất nước nhưng không phải là vô tận. Vì vậy, tăng cường quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng đất đai luôn là chủ trương lớn, quan trọng được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Sau 10 năm thực hiện Luật Đất đai 2013, quản lý đất đai đã có nhiều tiến bộ; việc tổ chức thực thi các quy định của pháp luật về đất đai được các cấp, ngành quan tâm, thực hiện có hiệu quả hơn; ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề trong quản lý, sử dụng đất đai cần sớm được khắc phục.

Nhằm hạn chế bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Cùng đó, Chính phủ đã trình Quốc hội đưa Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10 năm 2022), chuẩn bị cho ý kiến lần thứ hai tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5 năm 2023) và sẽ xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10 năm 2023).

Theo Bộ trưởng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là Đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung và của từng bộ, ngành, địa phương nói riêng, đặc biệt là với ngành công thương. Bởi đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, tham gia vào tất cả các lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành và có thời gian sử dụng dài, hệ số sinh lời cao.

Vì vậy, việc tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm triển khai Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ về việc Ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Quyết định số 240/QĐ-BCT ngày 13 tháng 02 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về Kế hoạch thực hiện nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị phát động công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị mình tích cực nghiên cứu, tham gia, đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đặc biệt là ý kiến về các nội dung trọng tâm trong dự thảo Luật (theo yêu cầu tại Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ) và các nội dung có liên quan đến phạm vi quản lý của ngành, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi các quy định về đất đai trong lĩnh vực công thương.

Đồng thời, Bộ trưởng giao Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) là đơn vị chủ trì tổng hợp toàn bộ các ý kiến góp ý của các đại biểu, các ý kiến góp ý của các đơn vị, của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong ngành công thương để hoàn thiện Báo cáo kết quả lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Bộ Công Thương trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt và gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo kế hoạch.

Cũng tại Hội nghị, Bộ Công Thương đã triển khai việc sắp xếp tổ chức, bộ máy của Bộ Công Thương theo Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, Nghị định số 03/2023/NĐ-CP ngày 10/2/2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Cùng đó, triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 17 tháng 2 năm 2023 của Chính phủ về sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ cần khẩn trương tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ về sắp xếp tổ chức bộ máy được triển khai tại hội nghị.

Bộ trưởng lưu ý việc làm tốt tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, nhất là các đơn vị có sự thay đổi lớn về tổ chức bộ máy, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động để triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ và của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ về sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức, nhân sự.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng giao các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch sắp xếp, luân chuyển, điều động cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý, hoàn thành trong tháng 3/2023, bảo đảm lựa chọn được những người có phẩm chất, năng lực để đảm nhận những vị trí công việc mới, đồng thời thực hiện 2 mục tiêu: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và phòng, chống tham nhũng.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận cho ý kiến đối với các nội dung liên quan đến phạm vi quản lý của Bộ Công Thương. Cụ thể gồm đất sử dụng trong hoạt động khoáng sản (dầu khí, than, khai thác mỏ và chế biến khoáng sản); đất cụm công nghiệp; đất thương mại, dịch vụ; đất phát triển hạ tầng chợ; đất sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng gồm hệ thống truyền dẫn xăng, dầu, khí và đường dây truyền tải điện; đất sử dụng trong phạm vi bảo vệ và phạm vi phụ cận đập, hồ chứa nước thuộc công trình thủy điện…

Bên cạnh đó,các đại biểu cũng cho ý kiến về một số vấn đề trọng tâm của Dự thảo Luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Chẳng hạn như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất.

Mặt khác, cho ý kiến đối với toàn bộ Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày tại dự thảo Luật.

Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện ban soạn thảo cho biết, Bộ Công Thương là một trong các bộ triển khai lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn bộ sớm nhất.

Đồng thời, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất cũng đã trình bày dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Theo đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội gồm 16 chương, 236 điều; trong đó, có 9 vấn đề trọng tâm cần lấy ý kiến.

Cụ thể gồm, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất.

Tại hội nghị, đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Cục Công nghiệp, Cục Công Thương địa phương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Thị trường trong nước đã có những ý kiến đóng góp chi tiết vào dự thảo Luật.

Trong số đó, đáng chú ý là việc sửa đổi bổ sung quy định về đất chợ, đất công trình năng lượng; quy hoạch, xác định nhu cầu xây dựng nhà ở, công trình công cộng tại cụm công nghiệp, khu chế xuất...

Sau khi lắng nghe các ý kiến này, ông Đào Trung Chính cho rằng, các ý kiến đóng góp là hết sức thiết thực, sâu sắc, làm rõ nhiều vấn đề. Do đó, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu và bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). 

Uyên Hương