|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Phải đưa sầu riêng thành sản phẩm quốc gia

20:10 | 21/08/2024
Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, muốn đưa sầu riêng Việt Nam đi xa cần xây dựng quy chuẩn, bảo vệ giá trị thương hiệu sánh ngang với sầu riêng Thái Lan, Malaysia.

Chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại Thường vụ Quốc hội sáng 21/8, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Phó đoàn Bình Phước) nêu xuất khẩu hạt điều đạt 3,6 tỷ USD vào năm ngoái. Giá sầu riêng cũng liên tục lập đỉnh, diện tích trồng loại nông sản này của Việt Nam tăng, với trên 150.000 ha năm ngoái. Tuy nhiên, việc phát triển và bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt chưa thực sự hiệu quả, theo bà Sang.

Bà dẫn chứng thu mua sầu riêng có mã và không có mã vùng trồng hiện không có sự khác biệt. Việc này ảnh hưởng lớn quyền lợi của nông dân, phát triển bền vững vùng trồng. Phó đoàn Bình Phước đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu giải pháp bảo đảm giá trị thương hiệu hạt điều, sầu riêng và bảo vệ vùng nguyên liệu.

Tương tự, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Phó đoàn Hà Nam) cũng đề nghị Bộ trưởng làm rõ các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ, mở rộng thị trường cho nông sản Việt.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn. Ảnh: Media Quốc hội

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thông tin, Bộ vừa ký Hiệp định thư thứ 2 về sản phẩm sầu riêng chế biến (cơm sầu, hạt sầu riêng, sầu riêng đông lạnh). Đây là điều kiện rất thuận lợi để Việt Nam mở cửa ngành hàng sầu riêng với thị trường Trung Quốc.

Như vậy, nông sản Việt xây dựng được thương hiệu mạnh sẽ tạo được giá trị gia tăng rất lớn. Tuy nhiên, nhiệm vụ này còn nhiều khó khăn. Người dân, doanh nghiệp vẫn còn có sự nhầm lẫn giữa nhãn hiệu và thương hiệu. Nhãn hiệu được xây dựng và bảo hộ. Trong khi thương hiệu là niềm tin của người tiêu dùng về chất lượng, tiêu chuẩn, độ đồng đều đối với một sản phẩm nào đó.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cùng với Bộ Công Thương phối hợp xây dựng thương hiệu của nông sản. "Muốn vậy, chúng ta phải có vùng nguyên liệu tập trung để có những sản phẩm đồng đều, quy chuẩn hóa các nông sản chủ lực, xây dựng thiết chế bảo vệ hình ảnh nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế", ông Hoan nói.

Để bảo vệ giá trị nhãn hiệu, thương hiệu, ông nhấn mạnh phải xây dựng quy chuẩn; phải có hiệp hội ngành hàng; tạo liên kết giữa bà con và các hiệp hội, doanh nghiệp.

Theo ông Hoan, nhiệm vụ hiện nay là đưa sầu riêng trở thành sản phẩm quốc gia, xây dựng, thiết kế chính sách chung về sầu riêng cho nông dân, doanh nghiệp, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng, bởi "Việt Nam đang đi sau thị trường Thái Lan, Malaysia về xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc".

Tuy nhiên thực tế, yêu cầu chuẩn hóa đối với hàng hóa nông sản còn nhiều khó khăn, nhất là với nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát như ở Việt Nam. Bộ trưởng cho rằng không thể nói vấn đề tiêu thụ nếu hàng hóa Việt Nam không theo được tiêu chuẩn của thị trường. Vì vậy, giải pháp là cấp mã số, vùng trồng, vùng nuôi.

Ngoài ra, để khắc phục tính manh mún của nền nông nghiệp, ông Hoan nhấn mạnh cần xây dựng lại vùng nguyên liệu tập trung, liên kết thành hợp tác xã đủ mạnh. Bộ sẽ xây dựng chính sách để liên kết được những "mảnh ruộng nhỏ trở thành những mảnh ruộng lớn, khu rừng nhỏ trở thành khu rừng lớn", song cần địa phương quan tâm hơn nữa.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trước đây, sầu riêng đông lạnh chủ yếu được xuất khẩu sang Thái Lan, Mỹ và châu Âu với kim ngạch vài trăm triệu USD mỗi năm. Nay với cánh cửa rộng mở sang Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng dự kiến tăng đột biến. Nếu thị trường Trung Quốc chuyển sang tiêu thụ sầu riêng đông lạnh, Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn.

Năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng tươi, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó 90% xuất khẩu sang Trung Quốc. Diện tích trồng sầu riêng là 154.000 ha, sản lượng đạt gần 1,2 triệu tấn, với tốc độ tăng trưởng 15% mỗi năm. Đối với dừa, Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu lớn, với diện tích trồng 175.000 ha, chủ yếu tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Việc mở cửa thị trường Trung Quốc dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh đạt 400-500 triệu USD năm nay, và xuất khẩu dừa tươi tăng thêm 200-300 triệu USD. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.

 

 

Sơn Hà