Bộ trưởng Tài chính: ‘Lạm phát trong nước có khả năng tăng cao, nếu không làm nhanh công trình, càng để lâu càng lỗ’
Ngày 18/5, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 với 5 địa phương: Vĩnh Phúc, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Phước.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Nhà nước (NSNN) được Chính phủ giao năm 2022 cho 5 địa phương Vĩnh Phúc, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Phước là gần 26.700 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn vốn ngân sách Trung ương là: 5.711 tỷ đồng, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương là 20.947tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến ngày 15/5 mới giải ngân được gần 5.506 tỷ đồng, đạt 20,7% chỉ tiêu Chính phủ giao năm 2022.
Trong đó, nguồn ngân sách địa phương đã giải ngân 4.181 tỷ đồng, đạt 20% kế hoạch. Nguồn ngân sách Trung ương đã giải ngân 1.283 tỷ đồng, đạt 25,8% kế hoạch. Nguồn vốn ngoài nước (ODA) đã giải ngân 40,728 tỷ đồng, đạt 5,5% kế hoạch.
Dự kiến giải ngân đến hết 31/5/2022 là 6.458 tỷ đồng, bình quân đạt 24,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (tỉnh Bình Thuận dự kiến cao nhất là 42,2%, tỉnh Bình Phước dự kiến thấp nhất trong 5 tỉnh là 20%). Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương là 23,4% kế hoạch, vốn ngân sách Trung ương là 30,5%, vốn ODA là 5,9% kế hoạch.
Theo thông tin từ VOV, tại cuộc họp, lãnh đạo các cơ quan và địa địa phương cũng đưa ra nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh còn chậm. Ông Vũ Việt Văn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, do công tác chuẩn bị đầu tư dự án của các đơn vị còn hạn chế. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, giá nguyên vật liệu tăng đột biến khiến nhiều công trình phải giãn tiến độ thi công.
Còn theo bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, nguyên nhân khiến công tác giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh gặp khó khăn là do công tác giải phóng mặt bằng chậm, thời gian thực hiện phê duyệt các bản vẽ thiết kế thi công mất nhiều thời gian. Hơn nữa, các nguyên nhân khách quan như nguyên vật liệu tăng giá, mùa mưa đến sớm ảnh hưởng tiến độ thi công các dự án.
Bà cũng đề nghị sớm có hướng dẫn xử lý việc tăng giá nguyên vật liệu, cho phép địa phương trình HĐND tỉnh phân bổ kế hoạch vốn năm trước 6 tháng (đối với nguồn ngân sách địa phương) để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu thiết kế bản vẽ thi công-dự toán.
Ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng vụ Địa phương và lãnh thổ, Bộ KH&ĐT cho biết thêm, do diễn biến thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều cùng với giá nguyên vật liệu tăng cao, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và năng lực một số nhà thầu còn thấp đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án.
Với tốc độ giải ngân như hiện nay, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, các địa phương phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, phải động viên doanh nghiệp thi công nhanh. Các công trình chuẩn bị làm thủ tục đấu thầu, nên thực hiện theo đơn giá điều chỉnh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà nước trong thanh quyết toán.
“Lạm phát thế giới tăng cao, lạm phát trong nước cũng có khả năng tăng cao. Giá thép, vật liệu xây dựng, xăng dầu, giá nhân công đều tăng, nếu không làm nhanh, làm kiểu cuốn chiếu thì càng để lâu càng lỗ”, ông Phớc cảnh báo.
Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương có sự linh hoạt, chủ động; thành lập tổ công tác riêng do Phó Chủ tịch tỉnh đứng đầu để đôn đốc, sát sao ngay tại hiện trường các dự án; yêu cầu Liên sở công bố các đơn giá, hệ số hàng tháng kịp thời và sát thực tế; chủ động trong công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng từ sớm ngay khi được bàn giao quy hoạch; công tác, thủ tục nghiệm thu cũng cần được thông suốt.
"Riêng kho bạc, giao trách nhiệm phải thanh toán ngay trong ngày, chậm nhất không quá 3 ngày. Chỗ nào làm chậm là chúng tôi cho thanh tra, kiểm tra, kỷ luật ngay. Thời gian qua, chúng tôi đã kỷ luật và điều chuyển công tác một số giám đốc kho bạc làm chậm", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.