Bộ trưởng Công Thương: Rà soát tình trạng nhập khẩu ô tô tăng đột biến
Số lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 gần tương đương số ô tô nhập khẩu trong năm 2018. Ảnh minh hoạ.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trung bình mỗi tháng nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp nhập khẩu khoảng 12.570 ô tô. Xe nhập khẩu tăng mạnh nhất ở dòng ô tô con (chiếm 72,8% tổng lượng xe nhập khẩu) và chủ yếu có xuất xứ ASEAN nhờ thuế nhập khẩu nội khối giảm về 0%.
Sự tăng trưởng đột biến này cũng khiến cho kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát 7 tháng đầu năm 2019 nói chung của cả nước (ước đạt 10,35 tỷ USD), tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm tỉ trọng 7,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng tăng trưởng nhập khẩu ô tô này, ông Phan Văn Chinh cho biết, mức tăng mạnh tập trung chủ yếu vào dòng ô tô con, chiếm đến 72,8% tổng lượng nhập khẩu ô tô.
Đây là dòng xe vừa phục vụ nhu cầu tiêu dùng, vừa phục vụ kinh doanh nên nhu cầu xã hội rất lớn. Ngoài ra, một số dòng ô tô con còn được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe dung tích nhỏ theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm khuyến khích các phương tiện tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về Việt Nam giảm về mức 0%, cũng khiến cho việc nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN tăng mạnh.
“Sau một thời gian bị chững lại do những quy định của Nghị định 116, các doanh nghiệp nhập khẩu và hãng sản xuất đã đáp ứng được các yêu cầu của Nghị định, đặc biệt là vấn đề Giấy chứng nhận kiểu loại (VTA).
Do vậy các doanh nghiệp gia tăng nhập khẩu để bù vào lượng xe nhập khẩu giảm ngay sau khi Nghị định 116 được ban hành”, ông Phan Văn Chinh cho biết.
Ông Chinh phân tích, sở dĩ có con số tăng đột biến này, là do lượng xe nhập khẩu giảm mạnh trong nửa đầu năm 2018, bắt đầu tăng ở 6 tháng cuối năm 2018 và duy trì mức độ nhập khẩu từ đó đến nay. Do vậy, khi so sánh 6 tháng đầu năm 2019 với 6 tháng đầu năm 2018, mức tăng nhập khẩu rất cao.
Tuy tăng mạnh số lượng nhưng kim ngạch nhập khẩu không tăng tương ứng do giá xe giảm. Trong 6 tháng đầu năm, giá nhập khẩu trung bình mỗi chiếc ô tô các loại giảm từ mức 26.649 USD/xe xuống còn 22.275 USD/xe, giảm hơn 4000 USD/xe. Riêng giá nhập khẩu trung bình của dòng ô tô dưới 9 chỗ ngồi giảm từ 22.530 USD/chiếc xuống còn 19.258 USD/chiếc.
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng các doanh nghiệp đã tranh thủ ưu đãi về thuế để tăng mạnh nhập khẩu. Điều này đã ảnh hưởng mạnh tới sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Tuy nhiên, "đây là câu chuyện khó tránh khỏi trong bối cảnh hội nhập".
“Yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu rà soát lại việc nhập khẩu ô tô này, phân tích hiện tượng chi tiết. Đồng thời, đánh giá chung trong bối cảnh phát triển công nghiệp ô tô trong nước, tính toán các phương án để đưa ra con số dư địa có thể sử dụng (thuế nội địa, việc thực thi cam kết hội nhập) cho việc nhập khẩu ô tô trên cơ sở hài hoà lợi ích quốc gia để phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, bảo vệ người tiêu dùng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước đó, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) trong văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ ngày 6/8 cho biết, dự kiến nhập siêu ngành ô tô năm nay sẽ đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỷ USD.
Dự kiến kim ngạch nhập khẩu tô tô sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo do nhu cầu trong nước tăng mạnh. Điều này không chỉ tác động nghiêm trọng tới nền sản xuất ô tô trong nước mà còn tác động tới cán cân thương mại.
Theo kiến nghị của Cục Công nghiệp, cần sớm ban hành các chính sách mới tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp lớn, thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia để đầu tư các dự án có quy mô lớn kèm theo chuyển giao công nghệ.
Cục này cũng kiến nghị sửa đổi mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước trong 5-10 năm tới.