|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Thị trường bất động sản thời gian tới sẽ tiếp tục khó khăn

15:52 | 03/11/2022
Chia sẻ
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản trong thời gian tới sẽ vẫn gặp khó khăn và nguồn cung sẽ tiếp tục bị hạn chế,...

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trả lời tại phiên chất vấn. (Ảnh: Báo tin tức/TTXVN).

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 3/11 của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, ĐBQH Hoàng Văn Cường nêu vấn đề: “Thị trường tài chính, thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế giống như ba chân kiềng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong một số dự báo, có thể xảy ra nguy cơ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Xin Bộ trưởng cho biết dự báo về xu thế phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới và những khó khăn, tồn tại, vướng mắc thời gian qua cũng như giải pháp khắc phục?”

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam hiện còn tồn tại một số hạn chế.

Thứ nhất, hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn một số bất cập cần sửa đổi để thống nhất.

Thứ hai, việc triển khai đầu tư xây dựng một số dự án bất động sản tại địa phương hiện nay hầu hết đều gặp khó khăn dẫn đến nguồn cung bất động sản sụt giảm khiến số lượng dự án được chấp chuận mới, khởi công xây dựng và hoàn thành đúng thời gian còn hạn chế.

Thứ ba, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở thương mại, nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp, trung bình.

Thứ tư, cơ cấu sản phẩm vẫn còn bất hợp lý, trong đó thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình.

Thứ năm, giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn nhiều so với thu nhập của người dân.

Thứ sáu, công tác quản lý quy hoạch, xây dựng quản lý sử dụng đất và quản lý thị trường bất động sản tại các địa phương vẫn còn bất cập.

Thứ bảy, việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản còn chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro. Cơ cấu nguồn vốn còn bất hợp lý, hiện nay bất động sản chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và huy động qua phát hành trái phiếu. Trong khi nguồn vốn khác chỉ chiếm 15 – 30%. Vẫn chưa có nguồn vốn trung và dài hạn cho thị trường, do đó trong quý III vừa qua, doanh nghiệp bất động sản khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng và trong huy động vốn qua phát hành trái phiếu.

Thứ tám, chính sách thuế liên quan đến sở hữu và sử dụng bất động sản vẫn còn chưa phân biệt giữa sử dụng và đầu tư, việc kinh doanh mua đi bán lại dẫn đến hiện tượng đầu cơ, găm hàng.  Ngoài ra, hoạt động của thị trường bất động sản vẫn còn thiếu công khai minh bạch do hệ thống thông tin vẫn chưa hoàn thiện.

Bộ trưởng cho biết, theo kinh nghiệm của các nước và nước ta trong những năm gần đây, thị trường bất động sản có những biến động khi chịu tác động đồng thời hoặc phần lớn các yếu tố như tình hình kinh tế vĩ mô, các kênh đầu tư khác không ổn định, nguồn cung bất động sản quá thiếu hoặc quá thừa so với nhu cầu, nguồn vốn vào thị trường quá lớn hoặc hạn chế, thiếu sự can thiệp kịp thời của Nhà nước.

“Qua diễn biến tình hình 9 tháng đầu năm 2022, Bộ Xây dựng có đánh giá và dự báo thị trường bất động sản nước ta trong thời gian tới tiếp tục gặp khó khăn. Nguồn cung sẽ tiếp tục bị hạn chế, cơ cấu sản phẩm có cải thiện nhưng vẫn còn chưa phù hợp,… Thị trường còn khó khăn nhưng nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp liên quan cùng với sự phối hợp của các bộ ngành, địa phương cùng với sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp thì thị trường bất động sản sẽ dần cải thiện, đi vào ổn định”, Bộ trưởng nói.

Thị trường hạ nhiệt

Bất động sản trầm lắng nhiều tháng qua. (Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

Số liệu được Bộ Xây dựng tổng hợp từ các địa phương vừa công bố cho thấy, thanh khoản thị trường bất động sản quý III/2022 có xu hướng sụt giảm so với quý II.

Cụ thể, có 51.003 giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ thành công (tập trung chủ yếu tại Hải Phòng, Long An, Đà Nẵng, TP HCM), giảm 26% so với trước và nhưng tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, miền Bắc có 9.627 giao dịch, miền Trung có 17.425 giao dịch và miền Nam có 23.951 giao dịch. Riêng tại tại Hà Nội có 1.508 giao dịch thành công, TP HCM có 2.144 giao dịch thành công.

Phân khúc đất nền ghi nhận 115.129 giao dịch thành công trong quý này, giảm 46% so với quý trước (hơn 213.000 giao dịch). Trong đó, miền Bắc có 21.806 giao dịch, miền Trung có 18.789 giao dịch, miền Nam có 74.534 giao dịch.

Bộ Xây dựng cho biết, giá giao dịch căn hộ chung cư trong quý III cơ bản ổn định so với quý trước, giá nhà ở chung cư tại một số khu vực ở Hà Nội và TP HCM tăng hơn so với quý II.

Trong khi đó, giá giao dịch thứ cấp nhà ở riêng lẻ và đất nền có xu hướng giảm nhẹ khoảng 2-3% so với quý trước. Một số khu vực có mức giá giảm nhiều như: quận Hà Đông, huyện Thanh Trì, Hoài Đức (Hà Nội); quận 12, huyện Củ Chi (TP HCM); huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu); quận Sơn Trà, Liên Chiểu (Đà Nẵng); TP Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). 

Hà Lê

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.