'Chậm nhất 2021, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu cân bằng lượng người dùng mạng xã hội trong và ngoài nước'
Tại phiên chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng nay (15/8), đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đã đặt vấn về liên quan đến mạng xã hội đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Đại biểu Vượt nhận định, mạng xã hội không hề ảo mà là thật và đang diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều thông tin sai sự thật, gây hậu quả nghiêm trọng tới chính trị, kinh tế, an ninh quốc gia, trật tự an toàn, đạo đức xã hội.
"Theo Bộ trưởng Thông tin Truyền thông, giải pháp xử lí tình trạng trên như thế nào? Khi nào Việt Nam có mạng xã hội uy tín, chất lượng thay thế các trang mạng xã hội khác? Ngoài ra, Bộ trưởng có ngăn chặn được tình trạng sim rác không?", ông Vượt đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: mic.gov.vn
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu những lí do chúng ta nên xây dựng mạng xã hội Việt Nam. Theo ông, nếu Việt Nam không có mạng xã hội riêng, những thông tin người dùng nói, đọc, suy nghĩ, thậm chí mua bán đều được lưu trữ ở nước ngoài.
"Bây giờ họ chỉ dùng những thông tin họ thu thập để quảng cáo, nhưng trong trường hợp đặc biệt, họ có thể dùng vào những việc khác nguy hiểm đến an ninh", ông Hùng phân tích.
Cũng theo ông Hùng, Bộ Thông tin Truyền thông đang đặt mục tiêu xây dựng mạng xã hội trong nước, phát triển số lượng người dùng tương đương với mạng xã hội nước ngoài.
Hiện nay, các mạng xã hội Việt Nam có khoảng 65 triệu tài khoản, trong năm qua tăng trưởng 30%. Các mạng nước ngoài có tổng cộng 90 triệu người dùng.
"Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì năm 2020, chậm nhất là 2021, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu cân bằng số lượng người dùng mạng xã hội trong nước và nước ngoài", ông Hùng nhận định.
Hiện nay còn khá nhiều cơ hội để các công ty công nghệ phát triển mạng xã hội Việt Nam, ví dụ mạng xã hội theo cách tiếp cận mới, chia sẻ lợi ích cho người tham gia. Ngoài ra, nền tảng mạng xã hội do đơn vị trong nước cung cấp sẽ có bộ lọc để "dọn rác".
Ông Hùng cho biết thêm, Bộ đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm giám sát không gian mạng quốc gia, có khả năng giám sát liên tục khoảng 100 triệu thông tin tiếng Việt và công khai mỗi ngày trên mạng; kịp thời phát hiện các xu hướng thông tin nóng, đánh giá tỉ lệ thông tin tiêu cực, vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lí.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin Truyền thông cho biết, việc đấu tranh với mạng xã hội nước ngoài khi họ chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam, chưa đóng thuế, chưa thực thi luật pháp của Việt Nam đến nay đã có kết quả khá tích cực.
"Đối với Facebook, trước đây nhà nước đưa ra yêu cầu thì họ chỉ thực hiện được khoảng 30%, bây giờ tỉ lệ thực hiện yêu cầu của Facebook đối với chính quyền Việt Nam đạt 70 - 75%. Youtube trước đây tuân thủ khoảng 60%, bây giờ khoảng 80 - 85%; Apple gần như không thực hiện thì gần đây tỉ lệ thực hiện là 75%", ông Hùng nói.
Về vấn đề sim rác, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông cho biết trong năm qua cơ quan chức năng đã cơ bản cắt bỏ sim không đủ thông tin, song vẫn còn tồn tại một lượng lớn.
Từ nay đến tháng 9, Bộ Thông tin Truyền thông tập trung giải quyết sim rác bằng cách buộc các nhà mạng phải mua lại.
"Giải pháp mới cho câu chuyện này là giao trách nhiệm đến từng tổng giám đốc công ty viễn thông, trong đó yêu cầu nếu còn tồn tại sim rác thì không được cấp phép dịch vụ mới", ông Hùng nói.