|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Bộ Giáo dục chính thức thua kiện vụ thu hồi bằng tiến sĩ

09:05 | 05/04/2019
Chia sẻ
TAND cấp cao tại Hà Nội phán quyết không chấp nhận việc kháng cáo quá thời hạn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, đồng thời tuyên bố bản án sơ thẩm có hiệu lực ngay lập tức.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục chính thức thua kiện vụ thu hồi bằng tiến sĩ - Ảnh 1.

TAND cấp cao tại Hà Nội phán quyết bản án liên quan vụ thu hồi bằng tiến sĩ có hiệu lực ngay lập tức. ẢNH ĐÌNH TRƯỜNG

TAND cấp cao tại Hà Nội vừa có phiên họp xem xét kháng cáo quá thời hạn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo liên quan đến bản án sơ thẩm số 197/2018/HCST của TAND TP.Hà Nội chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Xuân Quế.

Phiên họp có các thẩm phán, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội. Phía Bộ Giáo dục - Đào tạo có Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo, được triệu tập đến phiên họp để giải trình một số nội dung liên quan đến việc kháng cáo quá thời hạn.

Trước đó, ngày 14.12.2018, TAND TP. Hà Nội ban hành bản án số 197/2018/HCST chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Xuân Quế yêu cầu hủy Quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11.10.2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (khi đó là ông Phạm Vũ Luận) “Về việc thu hồi bằng tiến sĩ ngành kinh tế của ông Hoàng Xuân Quế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân”; đồng thời, kiến nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo, các cơ quan chức năng có thẩm quyền khôi phục lại học hàm, học vị cho ông Hoàng Xuân Quế.

Sau khi xem xét giải trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Toà cấp cao không chấp nhận việc kháng cáo quá thời hạn của Bộ trưởng; Viện KSND cấp cao tại Hà Nội cũng đề nghị không chấp nhận kháng cáo quá hạn của Bộ Giáo dục - Đào tạo; đồng thời, đề nghị bản án sơ thẩm số 197/2018/HCTS ngày 14.12.2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội có hiệu lực ngay lập tức.

Như Thanh Niên phản ánh, năm 2013, ông Hoàng Xuân Quế, Phó viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, bị tố cáo “đạo văn” luận văn tiến sĩ của người khác.

Từ nội dung tố cáo này, Thanh tra Bộ Giáo dục - Đào tạo lúc đó kết luận luận án tiến sĩ "Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam" do ông Hoàng Xuân Quế là tác giả, thực hiện năm 2003, đã sao chép 52 trang rưỡi/159 trang trong luận án tiến sĩ "Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường", do tiến sĩ Mai Thanh Quế, Học viện Ngân hàng, thực hiện năm 2002.

Kết luận thanh tra của Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng nêu rõ “các sao chép trong nội dung luận án của ông Hoàng Xuân Quế là không hợp pháp, vì: Thứ nhất, các nội dung sao chép không có chú dẫn nguồn trích (trong luận án của ông Hoàng Xuân Quế, phần danh mục tài liệu tham khảo không có tên luận án của ông Mai Thanh Quế); thứ hai, việc sao chép không đúng quy định (không có dấu ngoặc kép cho phần sao chép nguyên văn)”.

Từ kết luận này, ngày 11.10.2013, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban hành Quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT về việc thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế.

Không đồng tình với quyết định nêu trên, ngày 28.10.2013, ông Hoàng Xuân Quế đã nộp đơn khởi kiện hành chính, yêu cầu hủy Quyết định 4674 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo

Từ năm 2013 đến nay, vụ án đã nhiều lần bị tạm dừng để hai bên bổ sung các tài liệu, chứng cứ. Tại các phiên xét xử, luật sư đại diện cho Bộ Giáo dục - Đào tạo cho rằng, Quyết định 4674 là đúng pháp luật. Tuy nhiên, luật sư đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Quế đã đưa ra rất nhiều luận cứ chứng minh Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo khi đó ra Quyết định 4674 là vi phạm pháp luật.

Cụ thể, ông Hoàng Xuân Quế cho rằng, những cuốn luận án tiến sĩ mà Bộ Giáo dục - Đào tạo đã tiến hành thu thập xác minh và đi đến kết luận ông “đạo văn” là có dấu hiệu bị đánh tráo. Từ đó, ông Quế yêu cầu Bộ Giáo dục - Đào tạo cung cấp các cuốn luận án mà ông Quế đã nộp cho Bộ này để Bộ ra quyết định thành lập Hội đồng Bảo vệ luận án cấp nhà nước, cũng như nộp cho Bộ sau khi bảo vệ luận án cấp nhà nước. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã không cung cấp được tài liệu này cho tòa án.

Đáng chú ý, một số nhà khoa học tham gia hướng dẫn ông Hoàng Xuân Quế cũng đã có văn bản cho rằng, việc kết luận luận văn của ông Quế “đạo văn” là không có cơ sở.


Thái Sơn