|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Giá điện sẽ ‘có tăng, có giảm’ theo thị trường

07:13 | 08/09/2020
Chia sẻ
Giá điện có tăng, có giảm sẽ theo cơ chế giá đầu vào, giá thành sản xuất sẽ quyết định giá điện trên cơ sở công khai, minh bạch theo qui luật của thị trường với sự cạnh tranh bình đẳng của các thành phần tham gia thị trường điện.

Ngày 7/9, Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức Hội nghị giải trình về "Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội".

Báo cáo tóm tắt tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, sau gần 10 năm thực hiện Qui hoạch điện VII và Qui hoạch điện VII điều chỉnh, ngành điện Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong các lĩnh vực, bám sát các quan điểm phát triển và đã đạt được nhiều mục tiêu qui hoạch đề ra. 

Cụ thể tính đến hết năm 2019, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 239 tỉ kWh tăng 2,35 lần so với năm 2010. Công suất phụ tải lớn nhất toàn hệ thống (Pmax) năm 2019 đạt 38.249 MW.

Hạ tầng cung cấp điện được đầu tư khá đồng bộ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao trong thời gian vừa qua.

Về năng lượng tái tạo, hiện nay, tổng công suất điện gió và mặt trời là khoảng 5.800 MW, chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn của hệ thống.

Sau gần 5 năm thực hiện Qui hoạch điện VII điều chỉnh, lưới điện truyền tải được xây dựng đạt khoảng (70-90)% của cả giai đoạn 2016-2020.

Công tác đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo được chú trọng và thực hiện vượt chỉ tiêu của Đảng và Chính phủ đề ra, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn ổn định chính trị, an ninh, chủ quyền biên giới và hải đảo.

Thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1) hoàn chỉnh đã chính thức vận hành ngày 1/7/2012. Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (cấp độ 2) đã được vận hành thử nghiệm từ 2017-2018 và vận hành chính thức từ 1/1/2019.

Cấp độ ba là bán lẻ điện cạnh tranh dự kiến sẽ triển khai thực hiện năm 2024, sau khi có tổng kết thí điểm từ năm 2021-2024 để đảm bảo ổn định và tính khả thi, hiệu quả của mô hình này. 

Theo đó, giá điện có tăng, có giảm sẽ theo cơ chế giá đầu vào, giá thành sản xuất sẽ quyết định giá điện trên cơ sở công khai, minh bạch theo qui luật của thị trường với sự cạnh tranh bình đẳng của các thành phần tham gia thị trường điện, TTXVN đưa tin.

Theo Bộ trưởng, đến khi đó, Nhà nước chỉ quản lí phí của hệ thống truyền tải và phân phối; còn lại cơ chế, cơ cấu giá thành sản xuất quyết định giá bán lẻ. 

“Vì vậy, có thể khẳng định đến năm 2024, thực tế mới là thị trường hoàn chỉnh và giá điện vận hành theo đúng cơ chế thị trường. Còn hiện nay chưa làm được điều đó”, Bộ trưởng nêu rõ.

Đại diện Bộ Công Thương giải thích thêm, thời gian qua, mặc dù mong muốn xây dựng giá điện theo cơ chế thị trường nhưng theo Luật Giá, Nhà nước phải điều tiết giá, hỗ trợ cho các đối tượng xã hội, người nghèo. 

“Đúng như đại biểu nêu, thời gian qua, giá điện chỉ tăng chứ không có giảm vì trong thời gian từ năm 2011-2020, khi thực hiện thị trường điện cạnh tranh, chúng ta chưa đảm bảo được cân đối giá thành sản xuất điện của EVN và các doanh nghiệp đầu tư. Trên thực tế, người tiêu dùng và người sử dụng điện chưa có cơ hội được hưởng cơ chế điện giảm giá”, Bộ trưởng phân tích.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất điện luôn tăng chứ chưa giảm. Vừa qua, do tác động của dịch COVID-19, giá dầu, giá khí hóa lỏng, giá than trên thế giới giảm, Bộ đã chủ động cùng với EVN đề xuất phương án giảm khoảng 10% giá điện, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp…

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Ngành điện sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị giải trình về "Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội". (Ảnh: Bộ Công Thương).

Ngoài ra Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương đã tham mưu trình Chính phủ một loạt các giải pháp như bổ sung các nguồn điện gió, điện mặt trời vào vận hành giai đoạn 2021 - 2025; bổ sung thêm các nguồn điện khí sử dụng LNG; tăng cường nhập khẩu điện từ Lào, xem xét nhập khẩu thêm điện năng từ Trung Quốc; bổ sung và xây dựng lưới điện đồng bộ để giải phóng công suất các nguồn điện; có các giải pháp khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Trong giai đoạn trung hạn và dài hạn ngành điện Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo; phát triển nhanh điện khí LNG dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống; phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lí theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Đồng thời bảo đảm thực hiện đầy đủ pháp luật về an toàn môi trường sinh thái, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường hợp tác, xuất nhập khẩu điện với các nước trong khu vực để đảm bảo an ninh cung cấp điện; xây dựng lưới điện thông minh để đáp ứng yêu cầu vận hành linh hoạt, tích hợp được với tỉ lệ lớn các nguồn năng lượng tái tạo.

Phát biểu tại Phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, vấn đề an ninh năng lượng của chúng ta vẫn đang là những thách thức lớn cần vượt qua.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Qui hoạch điện VII chưa đạt được mục tiêu do nhiều nguyên nhân như giải phóng mặt bằng, vốn vay, công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, nhiều địa phương không ủng hộ nhiệt điện than (trước đây ủng hộ nhiệt điện than, gần đây ủng hộ điện khí, điện mặt trời); hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn chồng chéo, quản lí nhà nước còn hạn chế…

Về cơ chế giá điện, Phó Chủ tịch cho rằng cần thực hiện theo cơ chế thị trường, cạnh tranh, công khai, minh bạch. Thị trường là động lực của phát triển. 

Theo nhiều ý kiến, giá điện thấp sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài mang công nghệ lạc hậu, không đảm bảo môi trường vào Việt Nam, gây gánh nặng cho xã hội. Mặt khác không khuyến khích được nhà đầu tư vào ngành điện.

Trong vấn đề môi trường, Phó Chủ tịch lưu ý đến chuyển đổi đất rừng trong các dự án điện, việc xử lí những tấm pin sau khi hết thời hạn sử dụng..

Trong giai đoạn tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, cần có cơ cấu nguồn hợp lí, trong đó có nhiệt điện than, không để bị động trong nguồn cung năng lượng; đồng thời tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống truyền tải, để giải toả công suất nhà máy điện một cách kịp thời.

Như Huỳnh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.