Bộ Tài chính từ chối nhiều đề xuất xin ưu đãi cho cây sắn
Ảnh minh họa |
Bộ Tài chính mới đây đã có công văn trả lời kiến nghị của Hiệp hội sắn Việt Nam về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với cây sắn và sản phẩm sắn.
Trước đó, Hiệp hội sắn đã có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị điều chỉnh mức thuế giá trị gia tăng cho tinh bột sắn là 5%, kiến nghị việc áp dụng thuế suất cao đối với xuất khẩu củ sắn tươi, kiến nghị điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu củ sắn tươi… Tuy nhiên, hầu hết các kiến nghị được Hiệp hội sắn nêu ra, Bộ Tài chính đề khước từ.
Cụ thể, về mức thuế giá trị gia tăng Bộ Tài chính cho biết, theo quy định Luật thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn thì sắn của tổ chức, cá nhân trực tiếp trồng bán ra ở khâu nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, sắn do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh ở khâu thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng. Sản phẩm sắn đã qua chế biến như bột sắn, các sản phẩm từ tinh bột sắn đang được áp dụng thuế giá trị gia tăng với thuế suất 10%.
Bộ Tài chính khẳng định rằng, đề xuất của Hiệp hội sắn về sửa đổi mức thuế suất thuế giá trị gia tăng với tinh bột sắn và các sản phẩm đã qua chế biến từ sắn thuộc thẩm quyền của Quốc hội và chưa phù hợp với định hướng cải cách chính sách thuế giá trị gia tăng, do đó Bộ Tài chính đề nghị Hiệp hội sắn thực hiện theo quy định của pháp luật thuế giá trị gia tăng hiện hành.
Về kiến nghị áp dụng thuế suất cao đối với xuất khẩu củ sắn tươi, hiện thuế suất thuế xuất khẩu quy định tại Nghị định 122 là 0%. Bộ Tài chính đưa ra các tính toán và cho biết, nhu cầu sắn lát khô để sản xuất E100 phục vụ phối trộn xăng E10 đến năm 2020 sử dụng gần hết 2 triệu tấn sắn khô nên cần khuyến khích xuất khẩu.
Đồng thời, cây sắn là cây xoá đói giảm nghèo của người nông dân đặc biệt là nông dân vùng sâu vùng xa, góp phần ổn định chính trị và quốc phòng do mang lại việc làm và thu nhập cho người nông dân nên việc áp dụng thuế xuất khẩu sẽ dẫn tới người chịu thiệt hại là bà con nông dân trồng sắn.
Về kiến nghị điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu củ sắn tươi, Bộ Tài chính cho rằng, việc áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi 3% là phù hợp để bảo hộ người nông dân trồng sắn trong nước.
Hiệp hội sắn trước đó cũng đề xuất về việc áp dụng chính sách tài chính, tín dụng để tạm trữ sản phẩm khi vào chính vụ, tuy nhiên Bộ Tài chính cho rằng, sắn là mặt hàng nông sản thông thường do đó Bộ Tài chính đề nghị không thực hiện chính sách tạm trữ mà cây sắn và sản phẩm sắn được hưởng các chính sách ưu đãi tương tự các sản phẩm nông sản, nông nghiệp theo quy định hiện hành.