|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ Tài chính: 'Đề xuất giảm thuế VAT cho giá điện là không hợp lý'

17:33 | 21/08/2024
Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thuế thu nộp ngân sách nhà nước thì mới đảm bảo sự vững mạnh của tài chính công, đảm bảo chi cho hoạt động an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng... Vì vậy, việc giảm thuế để giải quyết một vấn đề giá cả biến động theo thị trường như giá điện là không hợp lý.

Tham gia chất vấn tại phiên họp trực tuyến với 62 Đoàn ĐBQH tại các tỉnh, thành phố diễn ra sáng ngày 21/8, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, việc nguời dân tiêu thụ điện, trả tiền điện cho EVN mà lại bị thêm mức thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% là chưa hợp lý. Đại biểu đề xuất với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu giảm thuế VAT 10% cho người tiêu thụ điện.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đây là quy định của Luật Thuế, được áp dụng với mọi hàng hóa, dịch vụ khi giao dịch. Bộ trưởng Diên đề nghị Bộ Tài chính trả lời rõ ràng hơn về việc có bỏ được thuế tiêu thụ đặc biệt trong hóa đơn tiền điện hay không.

Tiếp nhận đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Thuế thu nộp ngân sách nhà nước thì mới đảm bảo sự vững mạnh của tài chính công, đảm bảo chi cho hoạt động an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng... Vì vậy, việc giảm thuế để giải quyết một vấn đề giá cả biến động theo thị trường là không hợp lý.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

"Thực tế, khi gặp khó khăn do tác động khách quan như dịch Covid-19, 5 năm nay, Quốc hội đã giảm thuế, giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân khoảng 200.000 tỷ đồng. Đối với riêng lĩnh vực điện và xăng dầu, thuế VAT đã được quy định là 10% và cũng là mức thấp nhất trong suốt 25 năm qua (từ năm 1999). Do đó, việc giảm thuế trong trường hợp này không hợp lý", Bộ trưởng nhìn nhận.

Lo ngại áp lực lên hệ thống điện từ mua bán điện mặt trời áp mái

Bày tỏ quan tâm đến vấn đề mua bán điện mặt trời dư thừa, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) nêu, hiện nay, việc kinh doanh điện được quản lý bởi Bộ Công Thương, chỉ có EVN là đơn vị duy nhất kinh doanh điện giữa điện lực Việt Nam và các hộ tiêu dùng.

Trên thực tế, nhu cầu sử dụng điện năng lượng mặt trời từ các hộ gia đình khu vực phía Nam là rất lớn, nhưng hiện nay Nhà nước không còn chính sách thu mua điện từ phần dôi dư của các hộ gia đình.

Đại biểu đề nghị Bộ Công Thương đề xuất hướng giải quyết để tránh lãng phí chi phí đầu tư điện mặt trời của hộ gia đình, vừa giảm được tiêu thụ của nguồn điện quốc gia, tạo điều kiện cho hộ gia đình được bán lại nguồn điện dôi dư này cho các hộ xung quanh, vừa giúp người dân có thêm nguồn thu, đồng thời cũng là tránh lãng phí chi phí đầu tư chung cho xã hội.

Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc mua điện dôi dư mặt trời áp mái thì Chính phủ sắp ban hành Nghị định quy định cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, trong đó có khuyến khích vấn đề này.

Hơn nữa, hệ thống điện muốn an toàn và ổn định được thì trong cơ cấu các nguồn điện, điện mặt trời và điện gió chiếm tỷ trọng khoảng 20 - 25% trong tổng công suất các nguồn điện, phù hợp với năng lực, điều kiện về mặt kỹ thuật và kinh tế của Việt Nam. Nếu không có nguồn điện nền ổn định ở mức 75 - 80%, hệ thống điện sẽ hết sức rủi ro.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã quy định tổng công suất đặt hệ thống đến năm 2030 là 150.589 MW, trong đó, điện mặt trời và điện gió cũng đã được ấn định ở ngưỡng khoảng 27%, là mức cao.

Tuy nhiên, vừa qua, rất nhiều địa phương và cử tri muốn phát triển mạnh hơn điện mặt trời, nhất là điện mặt trời mái nhà ở các tỉnh phía Nam và Nam Trung Bộ. Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng và trình Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.

Theo đó, cơ chế là Nhà nước sẽ mua tối đa 20% công suất đặt của mỗi công trình để bảo đảm vừa nâng được tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu các nguồn điện, vừa khuyến khích người dân đầu tư và giảm bớt đầu tư nhà nước.

Song, ở khía cạnh khác, đó cũng là một thách thức và có thể trở thành rủi ro lớn cho an toàn hệ thống điện. Bởi nguồn điện nền là không thay đổi, vẫn chỉ ở ngưỡng 70 - 75%.

Nếu nâng điện mặt trời hay điện gió lên thì sẽ làm mất cân đối cơ cấu các nguồn điện. Như vậy sẽ rất rủi ro cho việc bảo đảm an toàn, liên tục hệ thống điện cũng như lưới điện cơ sở. Do vậy, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, cơ quan soạn thảo vừa tiếp thu ý kiến của các địa phương và người dân, vừa phải tôn trọng yếu tố kỹ thuật.

"Ngay cả đối với việc quy định tỷ lệ mua điện mặt trời mái nhà dư phát lên lưới điện quốc gia là 20%, Bộ Công Thương cũng phải đề xuất những cơ chế và điều kiện ràng buộc cần thiết để tránh tình trạng trục lợi chính sách và tránh tình trạng làm sập hệ thống điện", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Anh My