|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ Tài chính đề nghị tăng xuất khẩu than lên 3 - 4 triệu tấn/năm

15:00 | 24/10/2016
Chia sẻ
TKV xin giảm thuế tài nguyên môi trường cho mặt hàng than để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tuy nhiên Bộ Tài chính bác bỏ đề nghị này vì "biểu thuế chỉ mới áp dụng chưa được nửa năm".
bo tai chinh tang xuat khau than kha thi hon giam thue
Khai thác than. Ảnh: Tập đoàn Than khoáng sản.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Mai đại diện Bộ Tài chính vừa gửi Bộ Công Thương câu trả lời về đề nghị giảm thuế để tháo gỡ khó khăn cho ngành than của UBND tỉnh Quảng Ninh và tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV).

Bác đề nghị xin giảm thuế suất tài nguyên, Bộ Tài chính giải thích, việc thay đổi mức thuế suất của từng sắc thuế cần được cân nhắc trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang gặp khó khăn.

Chưa kể, thuế tài nguyên áp dụng từ tháng 7 năm nay đối với mặt hàng than ở mức 10 - 12%, do đó "cần có thời gian để tổng kết và đánh giá"..

Thứ trưởng Mai khẳng định, qua trao đổi với TKV, hiện tập đoàn này có sản lượng khai thác hàng năm ở 3 mỏ lớn ở Quảng Ninh là: Vàng Danh, Uông Bí, Năm Mẫu với 8,5 triệu tấn than, trong đó hơn 3 triệu tấn than là chất lượng cao (chiếm 35%), trong nước ít có nhu cầu sử dụng.

Hiện, giá than nhập thấp hơn giá bán trong nước, nên các nhà máy điện, xi măng giảm lượng mua từ TKV khiến lượng tồn kho tăng.

Trong khi lượng than xuất khẩu theo kế hoạch tính cho từ năm 2017 - 2020 chỉ 2 triệu tấn/năm. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho TKV, Bộ Tài chính đề xuất Bộ Công Thương tăng kế hoạch xuất khẩu than giai doạn 2017 - 2020 từ 2 triệu tấn/năm lên 3 - 4 triệu tấn/năm.

"Đây là giải pháp khả thi hơn so với phương án giảm thuế xuất bởi vừa giảm được lượng than tồn kho mà trong nước ít có nhu cầu sử dụng vừa không thay đổi thu ngân sách", Bộ Tài chính cho hay.

Tại buổi tọa đàm "Nhập khẩu than và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia" sáng nay (24/10), ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc TKV cho rằng, lúc khó khăn tập đoàn mới xin đưa thuế về mức thấp, khi nào làm ăn được lại tăng thuế suất lên, miễn là vẫn đảm bảo trong khung thuế từ 0 - 20% theo quy định.

"Sản lượng khai thác bị giảm 3 triệu tấn, thì dù thuế có cao cũng không thu được gì từ 3 triệu tấn bị giảm, tổng thu ngân sách Nhà nước cũng không thể cao được", ông Biên nói. Vị Phó Tổng giám đốc cho rằng thuế giảm sẽ giúp doanh nghiệp 'khỏe', làm ăn tốt, sản lượng cũng sẽ tăng lên.

Tháng 8 năm nay, tập đoàn TKV đã kiến nghị xin giảm thuế tài nguyên đối với mặt hàng than vì cho rằng thuế này ở Việt Nam đang cao hơn so với các nước từ 5 - 7%. Tập đoàn "kêu" đang gặp khó khăn do sản lượng khai thác bị giảm, trong khi nhu cầu năng lượng và giá than thế giới cũng giảm.

Bình luận về đề xuất của TKV, Báo Đất Việt dẫn lời PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản cho thực chất nhà nước không thu được bao nhiêu vì chỉ trích thuế có 2%. "Bây giờ, cứ nói là tình hình khó khăn, thì sẽ không có Tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước nào báo cáo làm ăn có lãi mà sẽ là kinh doanh liên tục lỗ, nên lý do được đưa ra của TKV chỉ là một phần", ông Khiển nói.

Thái Hoàng

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'cứu cánh' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, "cứu cánh" cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.