Bộ NN&PTNT: Xuất khẩu gạo dự báo khó khăn trong thời gian tới
Tuy nhiên, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cũng cho biết thêm mới đây Thái Lan triển khai gói trợ cấp cho ngành lúa gạo giai đoạn tháng 10/2019 - 10/2020, dự báo giá gạo Thái Lan sẽ cao làm giảm khả năng cạnh tranh.
"Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong mở rộng thị trường trong năm tới", Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản nhận định.
Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11 ước đạt 400.000 tấn với giá trị đạt 186 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2019 ước đạt 5,91 triệu tấn và 2,6 tỉ USD, tăng 4,8% về khối lượng nhưng giảm 9,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 10 tháng đầu năm 2019, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 33,2% thị phần.
Ngoài ra, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Senegal (gấp 442,5 lần), Bờ Biển Ngà (tăng 83%), Tanzania (tăng 39,8%), Đài Loan (tăng 34,1%) và Hong Kong (tăng 28,7%). Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2019 đạt 438 USD/tấn, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Về chủng loại xuất khẩu, trong 10 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 46,1% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 40,5%; gạo nếp chiếm 7,4%; và gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 5,8%.
Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Phillippines (49,2%), Malaysia (12,2%) và Cuba (11,1%).
Cơ quan Thu mua Lương thực Quốc gia Indomesia (Bulog) đặt mục tiêu sẽ thu mua 1,6 triệu tấn lúa từ nông dân trong năm 2020 và duy trì mức dự trữ sẽ là 1,35 triệu vào cuối năm 2020.
Trên thực tế cho tới giữa tháng 11, kho dự trữ của Bulog đã đạt 2,25 triệu tấn, như vậy, để có thể thực hiện việc thu mua và duy trì mức dự trữ như kế hoạch, nước này sẽ cần tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo trong năm 2020.