Bộ NN&PTNT: Mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp khó đạt được trong năm 2019
Thị trường xuất khẩu bị siết chặt
Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 7 ước đạt 3,55 tỉ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2019 đạt 23 tỉ USD, tăng 2% cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt gần 11 tỉ USD, giảm 8,2%. Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt gần 4,7 tỉ USD, giảm 1%; giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 0,4 tỉ USD, tăng 6,3%.
Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 6 tỉ USD, tăng 17,3%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết xuất khẩu nông sản được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như cùng kì.
Nguyên nhân là ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp.
Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu, khiến cho giá giảm sâu trong khi đó.
Các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lí chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Tác động tiêu cực của tình trạng nắng nóng kéo dài, hạn, mặn tới ngành trồng trọt, lâm sinh; dịch tả heo châu Phi tới ngành chăn nuôi.
Bộ NN&PTNT nhận định với kết quả sản xuất ngành nông nghiệp 7 tháng qua cho thấy mục tiêu tăng trưởng như kịch bản đề ra từ đầu năm là khó đạt được.
Giải pháp để về đích cuối năm
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của cả nước đạt 6,8%, ngành nông nghiệp cần phấn đấu để đạt tốc độ tăng trưởng GDP là hơn 2,7%.
Bộ NN&PTNT đưa ra giải pháp tăng sản lượng lúa so với phương án ban đầu khoảng 250.000 tấn. Đồng thời Bộ tăng sản lượng rau từ 3% theo phương án ban đầu lên 5%.
Sản lượng khai thác mủ cao su từ 4% lên 6%; tập trung chăm sóc, tăng sản lượng cây ăn quả đặc biệt là cây có múi lên 12%;
Đối với chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đưa ra giải pháp tăng sản lượng gia cầm 14%, tăng sản lượng trứng gia cầm 12% nhằm đáp ứng thực phẩm thay thế thịt heo..