|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đại gia Việt sẽ khó mua bất động sản để lấy quốc tịch ngoại

15:56 | 24/09/2020
Chia sẻ
Trong dự thảo qui định về đầu tư ra nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với ngành, nghề kinh doanh bất động sản. Qui định này nhằm tránh tình trạng cá nhân đầu tư bất động sản để định cư ở nước ngoài mà không có mục tiêu đầu tư, kinh doanh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa hoàn thành Dự thảo về việc ban hành Nghị định của Chính phủ qui định về đầu tư ra nước ngoài, hướng dẫn Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, thay thế Nghị định số 83/2015/NĐ-CP ngày 25/9/2015 của Chính phủ qui định về đầu tư ra nước ngoài.

Một trong những nội dung mới của dự thảo nghị định này là bổ sung điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với ngành, nghề kinh doanh bất động sản.

Bộ KH&ĐT muốn siết cá nhân mua bất động sản nhằm mục đích lấy quốc tịch ngoại - Ảnh 1.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn "siết" cá nhân đầu tư bất động sản ra nước ngoài. (Ảnh minh họa: laodongngoainuoc.vn)

Cụ thể, theo dự thảo nghị định, đối với việc kinh doanh bất động sản, điều kiện để được đầu tư ra nước ngoài được qui định: “Nhà đầu tư là doanh nghiệp thành lập theo qui định của Luật Doanh nghiệp”.

Theo Bộ KH&ĐT, qui định này nhằm hạn chế những rủi ro lách luật trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản của cá nhân ở nước ngoài, Luật Đầu tư năm 2020 đã qui định kinh doanh bất động sản là lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài có điều kiện.

“Việc qui định điều kiện nhà đầu tư phải là pháp nhân sẽ giúp công tác quản lí Nhà nước thuận lợi và chặt chẽ hơn, tránh tình trạng cá nhân đầu tư bất động sản để định cư ở nước ngoài mà không nhằm mục tiêu đầu tư, kinh doanh”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Ngoài việc bổ sung điều kiện”để hạn chế cá nhân mua nhà ở nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bổ sung qui định các trường hợp cá nhân không được đầu tư ra nước ngoài dẫn chiếu theo qui định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020, là các cá nhân không có quyền thành lập và quản lí doanh nghiệp tại Việt Nam (Điều 2 Dự thảo Nghị định).

Cụ thể, các trường hợp cá nhân không được đầu tư ra nước ngoài, gồm: Cán bộ, công chức, viên chức theo qui định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp,…

Cán bộ lãnh đạo, quản lí nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước; Người chưa thành niên, người bị hạn chế/mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, biện pháp xử lí hành chính,… đang bị tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo qui định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

“Việc bổ sung qui định nêu trên là cần thiết, phù hợp và thống nhất với các pháp luật trong nước về cán bộ, công chức, lực lượng công an, quân đội; đảm bảo cá nhân khi đầu tư ra nước ngoài đã có đầy đủ tư cách pháp lí và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Qui định nêu trên cũng giúp hạn chế các trường hợp cá nhân đang có vấn đề ràng buộc trong nước khi đầu tư ra nước ngoài để hạn chế những rủi ro có thể có như tẩu tán tài sản…”, Bộ KH&ĐT nêu rõ.

Tính đến hết tháng 7/2020, Việt Nam có 1.741 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp phép với tổng vốn đầu tư đăng kí đạt khoảng 22,9 tỉ USD . Vốn đã thực hiện đạt khoảng 9,65 tỉ USD.

Trong đó, riêng giai đoạn 2006 đến nay, số lượng dự án và số vốn đăng ký chiếm tỷ lệ lần lượt là 90,1% và 97,4% tổng vốn đăng kí. Riêng từ 2015 đến nay, số lượng dự án đã chiếm 45% tổng số dự án lũy kế mặc dù vốn đăng kí chỉ chiếm 14,6% tổng vốn đăng kí.

Hà Lê