Bộ KH&ĐT kiến nghị duyệt dự án cải thiện giao thông Đà Nẵng vốn đầu tư 61 triệu USD, có vay quỹ OFID
Bộ GTVT xác định nguồn vốn để ‘khai thông’ dự án nút giao Túy Loan - Đà Nẵng |
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng” vay vốn Quỹ OPEC về Phát triển quốc tế (Quỹ OFID).
Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng duyệt dự án “Cải thiện hạ tầng giao thông TP Đà Nẵng” tổng mức đầu tư 61,37 triệu USD, trong đó vay 45 triệu USD từ Quỹ OFID. (Ảnh: Linh Lê) |
Dự án đã được Thủ tướng đồng ý đề xuất dự án từ tháng 10/2016, Quỹ OFID cũng đã thẩm định và phê duyệt khoản vay dự án vào tháng 12/2016...
Mục tiêu của dự án là góp phần giúp Đà Nẵng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông một cách hiệu quả và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, giảm tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và cải thiện điều kiện đi lại của người dân.
Các hạng mục đầu tư chính gồm: đường vành đai phía Tây 2, đường và cầu qua sông Cổ Cò. Trong đó, tuyến đường vành đai phía Tây 2 sẽ dài khoảng 14,3 km đường giao thông có bề rộng B=(44-48)m, các cầu trên tuyến có bề rộng B=38,5m và các hạ tầng kỹ thuật khác gồm: hệ thống thoát nước, cống kỹ thuật, cây xanh, điện chiếu sáng và di dời các công trình hạ tầng hiện trạng...
Còn hạng mục đường và cầu qua sông Cổ Cò sẽ dài khoảng 1,2 km, đường giao thông có bề rộng B=33m, cầu trên tuyến có bề rộng B=27m và các hạ tầng kỹ thuật khác gồm: hệ thống thoát nước, cống kỹ thuật, cây xanh, điện chiếu sáng và di dời các công trình hạ tầng hiện trạng...
Dự án dự kiến sẽ thực hiện trong 4 năm (từ năm 2017 - 2020), tổng mức đầu tư 61,37 triệu USD, trong đó vốn vay Quỹ OFID là 45 triệu USD, vốn đối ứng 16,37 triệu USD. Phần vốn đối ứng sẽ được UBND TP Đà Nẵng bố trí từ nguồn ngân sách của thành phố; còn phần vốn vay Quỹ OFID sẽ do địa phương vay 100% (45 triệu USD), lãi suất vay 2%, phí quản lý 1%/năm, thời hạn vay 20 năm (trong đó có 5 năm ân hạn).
Để kịp tiến độ kỳ Hiệp định và triển khai dự án trong năm 2017 theo dự kiến, trước khi chủ trương đầu tư dự án được duyệt, UBND TP Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu và hồ sơ mời thầu các gói tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Sau khi chủ trương đầu dư dự án được Thủ tướng quyết định, thành phố sẽ tiến hành thẩm định, phê duyệt các hồ sơ theo đúng quy định.
Bộ KH&ĐT nhận định, Đà Nẵng là đô thị loại 1 có vị trí quan trọng của khu vực miền Trung và cả nước, do đó cần tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, đặc biệt là mở rộng không gian đô thị về phía Đông Nam và phía Tây thành phố theo quy hoạch chung thành phố đến năm 2030.
Theo quy định, sau khi Hiệp định vay vốn của dự án được ký kết, dự án sẽ được xem xét để bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm. Về khả năng vay, trả nợ của UBND TP Đà Nẵng, Bộ Tài chính đã đánh giá ngân sách của thành phố nằm trong hạn mức cho phép (năm 2017, thành phố Đà Nẵng còn hạn mức vay tối đa 1.977 tỷ đồng).
Trên cơ sở những nhận định trên, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng” vay vốn Quỹ OFID; giao UBND TP Đà Nẵng tiếp thu các ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan; cho phép thành phố được tiến hành các hoạt động thực hiện trước theo quy định; giao Bộ Tài chính chủ trì tiến hành các thủ tục đàm phán để ký kết Hiệp định vay với Quỹ OFID trong tháng 11/2017.