Bộ GTVT lên kế hoạch xây mới 2 sân bay khu vực miền Trung
Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT vừa ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26 ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, ưu tiên phát triển các tuyến đường bộ, đường sắt tốc độ cao, cảng hàng không, cảng biển, gắn với phát triển hành lang kinh tế vùng, tạo đột phá, phát triển nhanh, bền vững vùng, vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế vùng.
Xây mới 2 sân bay
Đến năm 2030, hoàn thành các tuyến cao tốc đường bộ theo quy hoạch, nâng tổng số km đường cao tốc trong khu vực lên hơn 1.500 km; nghiên cứu đầu tư, nâng cấp các tuyến đường cao tốc trục ngang kết nối cửa khẩu quốc tế với cảng biển.
Đối với kết cấu hạ tầng hàng không, sẽ tập trung nâng cấp cải tạo và nâng cao hiệu quả khai thác 9 cảng hàng không; phối hợp với Bộ Quốc phòng và các địa phương đầu tư xây dựng mới Cảng hàng không Phan Thiết, Cảng hàng không Quảng Trị.
Về cảng biển, Bộ GTVT sẽ tập trung phát triển các cảng biển có tiềm năng thành cảng đặc biệt, nhất là tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Bên cạnh đó là nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam; kêu gọi đầu tư các tuyến đường sắt kết nối vùng với khu vực Tây Nguyên và các cửa khẩu quốc tế.
Hoàn thành đầu tư 1.450 km đường cao tốc
Giai đoạn đến năm 2025 sẽ hoàn thành đầu tư các tuyến cao tốc dài hơn 1.450 km, gồm hơn 1.400 km đường cao tốc Bắc - Nam và hơn 40 km tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Giai đoạn này sẽ đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị, từng bước nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Chu Lai để hình thành trung tâm vận chuyển hàng hóa quốc tế.
Bộ GTVT cũng sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư 2 đoạn tuyến đường sắt Bắc - Nam là Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang; nâng cao hiệu quả khai thác các hành lang vận tải thủy ven biển và các tuyến kết nối với các cảng biển; triển khai đầu tư khu bến Liên Chiểu của cảng Đà Nẵng để từng bước di dời, chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa.
Đối với các công trình cụ thể, đến năm 2030 đầu tư hoàn thành các tuyến đường cao tốc, tiền cao tốc Đà Nẵng - Thạch Mỹ Ngọc Hồi - Bờ Y, Quy Nhơn - Pleiku, Hà Nội - Vientiane (Lào).
Bộ GTVT sẽ nâng cấp cải tạo và nâng cao hiệu quả khai thác 9 cảng hàng không hiện có; đầu tư xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết, Quảng Trị, nghiên cứu khai thác lưỡng dụng Cảng hàng không Thành Sơn và đầu tư một số sân bay chuyên dụng.
Về đường sắt, phấn đấu khởi công các đoạn ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt nối vùng với khu vực Tây Nguyên (Đà Nẵng - Bình Phước) và cửa khẩu quốc tế (Vũng Áng - Mụ Giạ, Mỹ Thủy - Lao Bảo), khôi phục tuyến đường sắt phục vụ di lịch Tháp Chàm - Đà Lạt; huy động nguồn lực để đầu tư các cảng có tiềm năng trở thành cảng đặc biệt như Nghi Sơn, Cửa Lò, Liên Chiểu, Vân Phong.
Về nguồn vốn, Bộ GTVT sẽ ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước; thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi; huy động vốn ngoài ngân sách đầu tư các cảng hàng không trong vùng, các trung tâm logistics, cảng cạn gắn với đầu mối vận tải lớn. Tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương đầu tư kết cầu hạ tầng do Trung ương quản lý.
Tái cơ cấu vận tải, giảm áp lực cho vận tải đường bộ
Đối với lĩnh vực vận tải, Bộ GTVT sẽ từng bước tái cơ cấu thị phần vận tải, ưu tiên phát triển đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ.
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phương tiện chở container trên đường sắt, đường thủy nội địa; nâng cao năng lực xếp dỡ container tại các đầu mối hàng hóa; đổi mới, hiện đại hóa phương tiện vận tải và nâng cao chất lượng dịch vụ đảm bảo tiện nghi, an toàn.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành hoạt động vận tải; triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, tuyên truyền nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật, xử nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông.