|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ GTVT không đồng thuận đề nghị nhập khẩu 37 toa xe cũ của Nhật Bản

20:19 | 06/11/2021
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ rất nghiêm túc xem xét trước đề xuất mua. Tuy nhiên trên cơ sở các quy định pháp luật Việt Nam, các toa tàu này không đảm bảo các yêu cầu.
Bộ GTVT không đồng thuận đề nghị nhập khẩu 37 toa xe cũ của Nhật Bản - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Ngọc Đông trả lời báo chí tại buổi họp báo. (Ảnh: TTXVN).

Trả lời báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, diễn ra chiều ngày 6/11, về việc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị cho nhập khẩu 37 toa tàu của Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ Giao thông Vận tải rất nghiêm túc xem xét trước đề xuất này. Tuy nhiên trên cơ sở các quy định pháp luật Việt Nam, các toa tàu này không đảm bảo các yêu cầu.

Thứ trưởng cho biết, trong tháng 10/2021 Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có văn bản đề nghị các cơ quan liên quan như Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị nhập khẩu 37 toa tàu đã qua sử dụng của Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East).

Đây là các toa tàu được sản xuất trong giai đoạn 1979-1982, tự hành diezen. Nhận được văn bản của Tổng Công ty Đường sắt, Bộ rất nghiêm túc xem xét, đang lấy ý kiến các bộ, ngành và trong một vài ngày tới sẽ có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ.

Bộ cũng xem xét trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh nghiệp cần huy động nguồn vốn. Tuy nhiên việc này cũng phải căn cứ các quy định pháp luật.

Theo Luật Đường sắt 2017, về đăng kiểm có quy định, khi đưa phương tiện đường sắt vào vận hành phải còn niên hạn và do Chính phủ quy định. Việc đăng kiểm phải bảm bảo an toàn kỹ thuật, bảo đảm môi trường.

Chính phủ cũng có Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt, với phương tiện đường sắt nhập khẩu đã qua sử dụng phải dưới 10 năm, đối với toa xe, đầu máy, phần chở hàng là 15 năm.

Như vậy, nếu chiếu theo quy định, các toa tàu đề nghị nhập khẩu đã qua sử dụng 39-42 năm, không đáp ứng yêu cầu quy định pháp luật.

Hơn nữa khổ ray đường sắt của Nhật Bản là 1.067mm, trong khi khổ ray của Việt Nam là 1.000mm, nên phải hoán cải, đăng kiểm lại.

Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chi phí này khoảng 140 tỷ đồng và đơn vị sẽ chi trả nhưng khi triển khai sẽ có phát sinh.  Hơn nữa, các cơ sở đóng toa xe ở Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh của Việt Nam đang đảm bảo việc đóng toa tàu.

"Với 3 lý do này, Bộ Giao thông Vận tải không đồng thuận nhập khẩu các toa xe này", Thứ Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.

Thu Hạnh