|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ GTVT đề xuất xe công nghệ là taxi

10:41 | 19/03/2019
Chia sẻ
Trong khi đa số thành viên Chính phủ biểu quyết xe công nghệ là xe hợp đồng thì Bộ GTVT đề xuất là taxi.

Bộ GTVT mới đây đã có báo cáo gửi tới Văn phòng Chính phủ về những thảo luận xung quanh dự thảo nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô (thay thế Nghị định 86/2014 của Chính phủ). Vấn đề nổi cộm nhất vẫn là định danh loại hình “taxi công nghệ” để thiết kế các điều kiện kinh doanh.

Đa số thành viên Chính phủ chọn xe hợp đồng

Theo Bộ GTVT, việc quản lý ô tô kinh doanh vận tải dưới chín chỗ ứng dụng khoa học công nghệ (xe công nghệ) đã được bộ này chủ trì lấy ý kiến nhiều cơ quan liên quan, các hiệp hội taxi, hiệp hội thương mại điện tử…

Bộ này cho rằng vẫn còn có nhiều vướng mắc đối với việc quản lý xe công nghệ. Những vướng mắc này chủ yếu là sự tranh luận xem loại hình kinh doanh vận tải này là taxi hay xe hợp đồng.

Về vấn đề này, Văn phòng Chính phủ đã gửi phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ đối với hai phương án (phương án 1 coi xe công nghệ là xe hợp đồng, phương án 2 coi xe công nghệ là taxi). Có 27 phiếu phát ra và 26 thành viên Chính phủ đã có ý kiến. Trong số 26 thành viên đã có ý kiến thì có tám thành viên chọn phương án xe công nghệ là taxi, 15 thành viên chọn phương án là xe hợp đồng. Đáng chú ý, có ba thành viên Chính phủ không chọn phương án nào mà đề nghị có phương án quản lý riêng đối với xe công nghệ.

Bộ GTVT đề xuất xe công nghệ là taxi - Ảnh 1.

Quản lý Grab phải đảm bảo nguyên tắc phục vụ tốt nhất lợi ích của người dân. Ảnh: VIẾT LONG

Bộ GTVT chọn taxi

Tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 vừa trình Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất chọn phương án quản lý xe công nghệ như taxi (có hộp đèn, phù hiệu…). Nguyên nhân, quá trình thí điểm cho thấy phương thức hoạt động của xe công nghệ tương đối giống với taxi, như phạm vi hoạt động chủ yếu trong đô thị, đối tượng khách hàng, phương thức gọi xe...

Bộ GTVT cũng thừa nhận việc quy định là taxi có hạn chế nhất định. Tuy nhiên, Bộ GTVT lại cho rằng quy định trên không triệt tiêu ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện cho quản lý và không ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân…

Việc lựa chọn phương án trên theo Bộ GTVT là hướng đến công bằng, bình đẳng hơn trong điều kiện kinh doanh vận tải và giải quyết vấn đề các hiệp hội taxi kiến nghị suốt thời gian qua.

Ngoài đề xuất phương án quản lý xe công nghệ, Bộ GTVT muốn nới lỏng nhiều quy định cho taxi truyền thống. Theo đó, doanh nghiệp taxi sẽ không cần đăng ký màu sơn với cơ quan chức năng, không quy định về đồng phục tài xế, về quy mô kinh doanh vận tải, bỏ quy hoạch số lượng xe theo địa phương mà để thị trường tự quyết định, không bắt buộc các doanh nghiệp phải có trung tâm điều hành.

Nghiên cứu kỹ biểu quyết của các thành viên Chính phủ

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi họp rà soát dự thảo nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Theo Phó Thủ tướng, nội dung dự thảo nghị định vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; một số nội dung chưa phù hợp với pháp luật hiện hành, điển hình là Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao dịch điện tử...

Để đảm bảo tính khả thi, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, đơn vị… nghiên cứu, rà soát kỹ nội dung dự thảo trên tinh thần phù hợp với các luật có liên quan. Đồng thời đảm bảo các nguyên tắc sau: Phục vụ tốt nhất lợi ích của người dân, cũng như đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước; cạnh tranh lành mạnh; tuyệt đối không để xảy ra kẽ hở pháp lý, làm phát sinh lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách.

Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô dưới chín chỗ, Bộ GTVT nghiên cứu kỹ hai phương án đã được các thành viên Chính phủ biểu quyết (taxi, xe hợp đồng), đồng thời nghiên cứu ý kiến bộ trưởng các bộ TT&TT, NN&PTNT, KH&CN, đề xuất thêm phương án phù hợp trên tinh thần đảm bảo các nguyên tắc nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-4.

Chân Luận