|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ GTVT: Cân nhắc 2 phương án gỡ vướng cho BOT T2

07:53 | 06/06/2019
Chia sẻ
Phương án Bộ GTVT đưa ra là mở rộng miễn, giảm giá vé cho người dân quanh trạm T2 (BOT quốc lộ 91, Cần Thơ) hoặc di dời trạm về phía cầu Vàm Cống.
Bộ GTVT: Cân nhắc 2 phương án gỡ vướng cho BOT T2 - Ảnh 1.

Trạm thu phí T2

Sắp hết thời hạn xả trạm T2 trong vòng 10 ngày (kể từ ngày 25-5) và để xử lý các bất cập hiện nay tại trạm BOT này, Bộ GTVT đã đưa ra hai phương án xử lý và đang cân nhắc, xem xét lựa chọn phương án tối ưu hơn.

Cần đảm bảo hài hòa lợi ích

Theo Bộ GTVT, phương án 1 là mở rộng diện miễn, giảm giá vé qua trạm T2 cho phương tiện của người dân khu vực An Giang, Đồng Tháp quanh trạm thu phí với bán kính 8-10 km (như đang áp dụng với phương tiện của người dân Cần Thơ). Bộ GTVT cho rằng với phương án này cần phải kiểm đếm lưu lượng xe, sau đó tính toán số phương tiện miễn, giảm, mức giảm, phương án tài chính...

Phương án 2 là tính toán có thể di dời trạm T2 lùi về phía cầu Vàm Cống khoảng 500 m (xe qua lại đoạn An Giang - cầu Vàm Cống không phải qua trạm thu phí T2). Bộ GTVT cũng cho rằng phương án này phải tính toán về chi phí đầu tư di dời trạm, phương án tài chính, mức thu phí có đủ trả tiền vay ngân hàng…

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết Bộ sẽ tính toán để lựa chọn phương án nào hợp lý nhất, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. “Cụ thể, phương án nào giải quyết được bất cập, nhận được sự đồng tình của người dân nhưng vẫn đảm bảo cho chủ đầu tư thu hồi vốn, trả nợ sẽ được lựa chọn. Vì nếu doanh thu thu phí không đạt để trả nợ có thể sẽ đẩy doanh nghiệp vào khó khăn, khoản vay ngân hàng đầu tư dự án trở thành nợ xấu” - ông Nhật giải thích.

“Để xử lý dứt điểm bất cập hiện tại của trạm thu phí T2, chúng tôi đang cho tạm dừng thu phí và đếm lưu lượng xe qua lại giữa An Giang - cầu Vàm Cống. Từ đó sẽ tính toán hai phương án trên. Dù chọn phương án nào cũng phải xử lý triệt để bất cập, hài hòa lợi ích người dân - nhà đầu tư - Nhà nước, không làm chắp vá, nhát gừng. Do đó cần thời gian nhất định để tính toán, lựa chọn phương án tối ưu nhất” - ông Nhật khẳng định.

Bộ GTVT: Cân nhắc 2 phương án gỡ vướng cho BOT T2 - Ảnh 2.

Trạm T2 hiện đang chính thức tạm ngưng thu phí trong vòng 10 ngày (kể từ ngày 25-5). Ảnh: H.DƯƠNG

Kỳ vọng tuyến tránh TP Long Xuyên

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, khu vực tứ giác Long Xuyên (An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp) là vựa lúa, vựa thủy sản, trái cây của cả nước, trong khi đó tuyến quốc lộ (QL) 91 khi xưa là tuyến đường huyết mạch nhưng nhỏ hẹp, xuống cấp. Do ngân sách khó khăn Bộ GTVT phải kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT và được địa phương ủng hộ, đồng tình.


Theo tôi, phương án miễn, giảm thu phí là không hợp lý. Miễn, giảm một thời gian rồi cũng sẽ tăng lên, hơn nữa phương tiện cả tỉnh chứ đâu thể miễn, giảm trong bán kính bao nhiêu đó (8-10 km - PV). Chúng tôi sẵn sàng trả phí theo quãng đường, đi bao nhiêu trả bấy nhiêu. Còn nếu dời trạm về phía cầu Vàm Cống thì chúng tôi không ý kiến.

Ông NGUYỄN NGỌC XUÂN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh An Giang

Cá nhân tôi cảm thấy phương án giảm mở rộng diện miễn, giảm theo bán kính là không phù hợp. Như tôi ở phường Mỹ Long (cách trạm T2 10 km) thì được miễn, giảm nhưng những người khác họ ở xa hơn như Châu Đốc, Tri Tôn… thì lại không được miễn, giảm, vậy là không công bằng.

Ông CHÂU VIỆT LONG, Giám đốc Công ty TNHH Châu Việt Long

Theo tôi, giải pháp mềm mỏng, uyển chuyển nhất trong tình thế hiện nay là dời trạm T2 về trước ngã ba Lộ Tẻ. Khi đó các phương tiện về An Giang, Kiên Giang qua QL80 và ngược lại sẽ dễ dàng hơn khi không phải qua phần kiểm soát, giảm phần ùn tắc giao thông và cũng hợp lòng dân.

Anh PHẠM HOÀNG PHÁT (ngụ TP Cần Thơ)

Tuy nhiên, khi thông xe cầu Vàm Cống, phương tiện qua lại giữa cầu và QL80 đi An Giang chỉ sử dụng khoảng 1,3 km đoạn QL91 và qua trạm thu phí T2 phải trả tiền dẫn tới bất cập nên tài xế có ý kiến.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Bộ GTVT, tuyến tránh TP Long Xuyên (An Giang) kết nối với cầu Vàm Cống bị chậm tiến độ, dự kiến cuối năm nay mới khởi công và phải hai năm nữa mới có thể hoàn thành. Khi tuyến tránh này hoàn thành, phương tiện qua lại giữa An Giang - cầu Vàm Cống không phải qua đoạn BOT QL91 và trạm thu phí T2 nữa. Khi đó trạm thu phí T2 ở vị trí hiện tại không còn bất cập.

Về phía lãnh đạo các địa phương liên quan, ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết quan điểm của tỉnh là ưu tiên lựa chọn phương án nào đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp. Trong khi đó, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, cho hay sẽ thông tin cụ thể với báo chí khi có chỉ đạo chính thức từ Bộ GTVT.

Phía lãnh đạo Công ty CP Đầu tư QL91 Cần Thơ - An Giang cũng cho rằng hiện tại đơn vị vẫn chưa nhận được chỉ đạo cụ thể từ Bộ GTVT nên sẽ trả lời báo chí ngay khi có thông tin chính thức.


Xả trạm trong vòng 10 ngày

Chiều 25-5, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo chủ đầu tư tiến hành xả trạm T2 trong vòng 10 ngày kể từ ngày 25-5. Nguyên nhân xả trạm là để tiến hành rà soát miễn, giảm phí cho một số địa phương xung quanh trạm.

Trước đó, trưa 21-5, khu vực trạm thu phí T2 (hướng từ An Giang đi Cần Thơ - Kiên Giang) có một số tài xế xe tải mang biển số tỉnh An Giang và TP.HCM đã đến đậu tại ba làn thu phí của trạm này khiến giao thông khu vực ùn tắc. Liên tiếp các ngày sau đó vẫn có nhiều tài xế phản ứng thu phí tại trạm.

Lý giải cho việc phản ứng này, các tài xế cho rằng T2 là trạm thu phí của một dự án ở Cần Thơ nhưng lại ảnh hưởng đến người dân An Giang. Khi cầu Vàm Cống được thông xe, lưu lượng phương tiện từ An Giang đi Cần Thơ, Kiên Giang là rất đông. Tuy nhiên, để đi qua cầu Vàm Cống, họ chỉ lưu thông trên QL91 vài trăm mét. Theo các tài xế, nếu họ chỉ chạy vài trăm mét nhưng lại phải đóng phí cho cả tuyến đường là không hợp lý.

Viết Long - Hải Dương

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.