|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ Giao thông Vận tải nói gì về mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây?

21:00 | 10/01/2023
Chia sẻ
Bộ Giao thông Vận tải sẽ tham gia ý kiến thẩm định chuyên ngành trong quá trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Bộ Giao thông Vận tải nên quan điểm về mở rộng cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Bộ Giao thông Vận tải vừa có công văn gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về việc nghiên cứu đầu tư mở rộng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo khoản 2, Điều 2 Nghị Quyết số 75/NQ-CP ngày 21/5/2020 của Chính phủ về việc xử lý vướng mắc đối với một số dự án đầu tư của các doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu, VEC chủ động nghiên cứu, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư Dự án mở rộng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cấp có thẩm quyền theo quy định. Bộ Giao thông Vận tải sẽ tham gia ý kiến thẩm định chuyên ngành trong quá trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định.

 

“Yêu cầu VEC khẩn trương hoàn thành quyết toán Dự án đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (giai đoạn 1). Trong quá trình nghiên cứu, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, VEC phải tính toán và báo cáo cụ thể khả năng cân đối vốn và cơ chế có liên quan để có thể thực hiện Dự án này”, công văn của Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Trước đó, vào tháng 11/2022, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn, ký Công văn số 11916/BGTVT – KHĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án mở rộng đoạn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Tại công văn này, Bộ Giao thông Vận tải cho biết là thống nhất với đề nghị của VEC và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong việc kiến nghị người đứng đầu Chính phủ xem xét giao cho VEC nghiên cứu, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư mở rộng Dự án đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

“Trong quá trình nghiên cứu, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, VEC phải tính toán và báo cáo cụ thể khả năng cân đối vốn và cơ chế có liên quan để có thể thực hiện Dự án này”, công văn Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ.

Tại Nghị quyết số 95/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối khu vực Cảng hàng không quốc tế Long Thành với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, tuyến cao tốc TP HCM – Long Thành thuộc tuyến cao tốc TP HCM– Long Thành – Dầu Giây do VEC đầu tư, khai thác được coi là tuyến đường bộ chính yếu kết nối sân bay Long Thành với sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong khi đó, với quy mô 4 làn xe hiện tại, đoạn tuyến từ nút giao An Phú – TP HCM (Km0+000) đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km25+920) không đáp ứng được nhu cầu vận tải và đặc biệt là khi sân bay Long Thành giai đoạn 1 khai thác vào năm 2025.

Do đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao Vành đai 2 (Km0+000 - Km4+000) đã bàn giao cho UBND TP HCM quản lý, vận hành khai thác và bảo trì nên VEC sẽ chỉ tập trung nghiên cứu mở rộng đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km4+000 - Km25+920) lên quy mô 10 làn xe với chiều dài 21,92 km. Tổng mức đầu tư dự kiến cho việc mở rộng 21,92 km cao tốc Vành đai 2 đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, vị trí gần nhất để kết nối với sân bay Long Thành là 14.786,938 tỷ đồng.

Theo phương án được Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn, VEC sẽ tự huy động vốn để thực hiện đầu tư mở rộng, tổ chức vận hành, khai thác và thu phí toàn bộ tuyến đường để hoàn vốn đầu tư. Thủ tục đầu tư Dự án sẽ theo quy định của Luật Đầu tư.

“Phương án này có ưu điểm là tiến độ triển khai thuận lợi và dự kiến đầu năm 2026 hoàn thành, kịp với tiến độ sân bay Long Thành; không phải xử lý xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư mới và VEC. Phù hợp với mục tiêu hình thành VEC là cân đối nguồn thu của các cao tốc đã đầu tư để đầu tư cao tốc mới, bao gồm cả việc mở rộng tuyến cao tốc mà đơn vị này đang khai thác”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn khẳng định.

Dự án Đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe do VEC làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư hơn 20,6 nghìn tỷ đồng đã đưa vào khai thác từ năm 2016. Từ đó đến nay, lượng xe trên đường cao tốc này tăng trung bình khoảng 10,45%/năm.

Hiện nay, đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (dài gần 21km) đã mãn tải, nhu cầu vận tải vượt 25% so với năng lực thông hành của đường… Do vậy, đầu tư mở rộng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây là rất cần thiết và cấp bách./.

Quang Toàn

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.