Bộ đôi cổ phiếu của hai ông bầu phố núi Gia Lai tăng trần
Đóng cửa phiên 11/12, giá cổ phiếu HAG ở mức 13.000 đồng/cp, tăng 7% so với phiên cuối tuần trước. Trong phiên sáng, mã này lình xình quanh mốc tham chiếu, có thời điểm xuống mức thấp nhất 12.000 đồng/cp.
Lực cầu gia tăng trong phiên chiều, đặc biệt từ thời điểm 14h00 đẩy giá HAG tăng mạnh và đóng cửa tại mức giá trần. Đây là mức giá cao nhất của HAG kể từ đầu tháng 10/2022. Khối lượng khớp lệnh mã này đạt hơn 26,1 triệu cp. Kể từ đầu năm 2023, giá cổ phiếu HAG tăng gần 42%. Còn tính theo thời điểm bắt đầu nhịp tăng đầu tháng 11, tỷ lệ tăng đạt gần 63%.
Với nhịp tăng giá mạnh trong hơn một tháng trở lại đây, vốn hóa của Hoàng Anh Gia Lai vượt ngưỡng 12.000 tỷ đồng.
Cùng với HAG, cổ phiếu một tập đoàn có trụ sở tại Gia Lai khác cũng tăng trần hôm nay đó là DLG của Tập đoàn Đức Long Gia Lai. DLG đóng cửa tại mức giá trần 2.490 đồng/cp và khối lượng dư mua đạt hơn 185.000 cp. Tổng khối lượng khớp lệnh DLG hôm nay đạt gần 6,8 triệu cp. Đây là vùng giá cao nhất của DLG kể từ giữa tháng 10.
Đối lập với HAG, cổ phiếu DLG biến động giá mạnh trong năm 2023. Mã này từng nổi sóng tăng giá hơn 50% trong quý II. Nhưng sau đó, thông tin chủ nợ yêu cầu doanh nghiệp mở thủ tục phá sản khiến giá cổ phiếu lao dốc, tạo đáy quanh 1.900 đồng/cp cuối tháng 10.
Trong tháng 11, giá cổ phiếu DLG hồi phục cùng với xu hướng hồi phục của thị trường và thông tin Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng hủy quyết định mở thủ tục phá sản. Đức Long Gia Lai cũng chuyển 4 tỷ đồng trả nợ Lilama 45.3 và cam kết lộ trình trả nợ.
Cùng trạng thái tích cực, cổ phiếu HNG của HAGL Agrico đóng cửa trong sắc xanh ở 3.950 đồng/cp, cao hơn 1,02% so với phiên liền trước. Song, mã này vẫn nằm trong số ít cổ phiếu trên thị trường giảm giá kể từ đầu năm 2023. Với mức giá hiện tại, vốn hóa thị trường của HAGL Agrico đạt gần 4.400 tỷ đồng, bằng 1/3 quy mô vốn hóa của HAGL.
Tiêu cực hơn, mã chứng khoán khác “gốc Gia Lai” là QCG của Quốc Cường Gia Lai giảm giá 4,35%, dừng tại 11.000 đồng/cp. Hiện tượng giảm sâu tăng trần thường xuyên xảy ra với QCG. Tuần trước, mã này tăng kịch trần vào ngày 7/12 với khối lượng khớp lệnh gần 4,2 triệu cp, cao nhất kể từ ngày 20/11.
Nếu tính kể từ đầu năm 2023, giá cổ phiếu QCG tăng giá hơn 176%, vượt trội so với những cổ phiếu “gốc Gia Lai” được đem ra so sánh như HAG, HNG, DLG. Tuy nhiên, giá QCG vẫn còn cách khá xa thời kỳ đỉnh cao ghi nhận giữa năm 2017.
Nói về những cổ phiếu của doanh nghiệp “gốc Gia Lai”, những ông bà chủ tập đoàn xuất thân từ phố núi và hệ sinh thái của họ từng vang bóng một thời trên thị trường chứng khoán khi thịnh vượng.
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL từng là người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2008. Chủ tịch Nguyễn Như Loan của Quốc Cường Gia Lai lọt top 15 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2012.
Cùng đam mê thể thao như “bầu” Đức, doanh nhân Bùi Pháp (còn gọi là “bầu” Pháp) từng sở hữu hai đội bóng chuyền ở Việt Nam. Ông Pháp từng đứng thứ 39 trong top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán.
Cả hai ông bầu lập nghiệp ở phố núi Gia Lai đều từng có những mô hình kinh doanh tương đồng như chế biến gỗ, làm bất động sản, thủy điện. Tuy nhiên, việc lạm dụng đòn bẩy tài chính ở thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp cùng sự lao dốc của một số lĩnh vực họ tham gia khiến kết quả kinh doanh giảm sút trong thời gian dài, loay hoay trong khối nợ. Với Quốc Cường Gia Lai, tình cảnh cũng không khác là bao.