Bộ Công Thương yêu cầu báo cáo vụ ‘lùm xùm’ tại Nhiệt điện Thái Bình 2
Mới đây, một nguồn tin riêng của VTC News cho biết, Bộ Công Thương đang yêu cầu PVC báo cáo lãnh đạo bộ về việc lựa chọn nhà thầu cho gói thầu trên.
Trong một diễn biến liên quan, Thanh tra Chính phủ đang hoàn tất kết luận thanh tra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), trong đó có việc xem xét những vấn đề tại Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 - nơi đang nảy sinh lùm xùm trong đấu thầu gói “Vật liệu bảo ôn, cách nhiệt”.
Lãnh đạo Bộ Công thương đang yêu cầu PVC báo cáo về việc lựa chọn nhà thầu cho gói thầu vật liệu bảo ôn dự an Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. (Ảnh PVC).
Văn phòng Chính phủ cũng vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về việc triển khai các công việc sau Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV. Trong đó nhấn mạnh, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài.
Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc, vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Theo hồ sơ mà đại diện liên danh PVEIC – TBDST – TEMEX cung cấp, ngày 11/3/2016, Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) ra quyết định về việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu và hồ sơ mời thầu gói thầu “Vật liệu bảo ôn, cách nhiệt” thuộc dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Ngày 19/10/2016, tổ công tác của tổng công ty báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, theo đó, có 3 nhà thầu vượt qua kỹ thuật gồm: Liên danh PVEIC – TBDST – TEMEX; liên danh ENESCO – NAM AN; liên danh Lilama 69-2 – Lisemco – Lilama.
Ngày 25/10/2016, tổng giám đốc PVC đã phát hành tờ trình số 3652/TTr-XLXK về việc phê duyệt kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật (HSĐXKT) với 3 nhà thầu đủ tiêu chuẩn theo báo cáo của tổ công tác, đề nghị HĐQT của Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC phê duyệt.
Tuy nhiên, đến ngày 28/10/2016, Hội đồng quản trị công ty lại đưa ra quyết định số 860/QĐ-XLDK phê duyệt kết quả đánh giá HSĐXKT chỉ có 2 nhà thầu là: Liên danh ENESCO – NAM AN; liên danh Lilama 69-2 – Lisemco – Lilama.
Ông Hồ Quyết Thắng – đại diện nhà thầu liên danh PVEIC – TBDST – TEMEX cho biết, tổ công tác đã kiểm tra, đánh giá và cho kết quả liên danh PVEIC – TBDST – TEMEX đủ điều kiện vượt qua kỹ thuật. Phía tổng công ty cũng đã phê duyệt đánh giá HSĐXKT của liên danh nhưng không hiểu sao HĐQT lại gạt liên danh của ông ra.
Đến ngày 28/10/2016, HĐQT ra văn bản 868/XLDK-HĐQT nêu các lý do liên danh PVEIC – TBDST – TEMEX không đáp ứng được yêu cầu.
Không đồng ý với các lý do mà HĐQT đưa ra, Tổng công ty đã cử tổ công tác rà soát lại và giữ nguyên kết quả tại báo cáo số 3141/BC-TctTB2-INS ngày 19/10/2016, là có 3 nhà thầu vượt qua kỹ thuật. Trong đó có liên danh PVEIC – TBDST – TEMEX.
Ngày 16/11/2016, Tổng giám đốc PVC phát hành báo cáo giải trình ý kiến của HĐQT, trong đó có kiến nghị giữ nguyên kết quả của tổ công tác. Theo đó, liên danh PVEIC – TBDST – TEMEX có đủ tư cách hợp lệ khi tham dự đấu thầu, đề nghị HĐQT phê duyệt kết quả đánh giá HSĐXKT gói thầu “Vật liệu bảo ôn, cách nhiệt” với 3 nhà thầu mà tổ công tác đã báo cáo.
Song HĐQT không đồng ý với giải trình của tổng giám đốc cũng như kết quả do tổ công tác báo cáo. HĐQT phê duyệt kết quả với 2 nhà thầu vượt qua kỹ thuật là: liên danh ENESCO – NAM AN; liên danh Lilama 69-2 – Lisemco – Lilama.
Điều này khiến liên danh PVEIC – TBDST – TEMEX thấy khó hiểu khi mình đủ tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật, đã được Tổ công tác kiểm tra, đánh giá và có báo cáo vượt qua kỹ thuật nhưng bỗng chốc lại bị gạt ra.
Ngày 19/12/2016, liên danh PVEIC – TBDST – TEMEX gửi văn bản số 1028/PVMR-TM lên Tổng công ty PVC, kiến nghị kết quả đánh giá HSĐXKT.
Ông Hồ Quyết Thắng- Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo dưỡng, sửa chữa công trình dầu khí (đại diện nhà thầu liên danh PVEIC - TBDST - TEMEX) khẳng định: Số lượng nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của hồ sơ mời thầu càng nhiều thì sẽ càng làm tăng yếu tố cạnh tranh trong đấu thầu, dẫn đến tối ưu hoá chi phí trong đầu tư, lựa chọn được nhà thầu đáp ứng kỹ thuật và giá tốt nhất cho PVC và PVN.
Chính vì thế, ông Hồ Quyết Thắng khẩn thiết nghị lãnh đạo PVN xem xét, quyết định và chỉ đạo người đại diện phần vốn tại PVC, đề nghị Chủ tịch HĐQT PVC thông qua hồ sơ đề xuất kỹ thuật của liên danh PCEIC-TBDS-TEMEX. Tuy nhiên từ đó tới nay PVN và PVC không có phản hồi nào về chuyện này./.
Trong vụ việc khởi tố, điều tra ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch PVC, và ông Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng giám đốc PVC cùng một số cá nhân khác tại PVC, có nội dung về việc sử dụng số tiền tạm ứng cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.