|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ Công thương: Uber, Grab cạnh tranh không bình đẳng với taxi truyền thống

20:40 | 28/10/2017
Chia sẻ
Bộ Công thương cho rằng, với các quy định chưa rõ ràng hiện nay, Uber, Grab đang không phải chịu các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, cạnh tranh bất bình đẳng với taxi, xe ôm truyền thống.
bo cong thuong uber grab canh tranh khong binh dang voi taxi truyen thong
Bộ Công thương cho rằng cần sửa các quy định để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa Uber, Grab và vận tải truyền thống. Ảnh: TN

Trong văn bản góp ý về thực trạng triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, Bộ Công thương cho rằng cần bổ sung, làm rõ những hạn chế của khung pháp lý, các cơ quan liên quan về thuế, giao dịch điện tử, thương mại điện tử... nhằm có các biện pháp quản lý lâu dài, bền vững.

Đặc biệt, Bộ Công thương đề nghị cần sửa đổi quy định để xác định doanh nghiệp cung cấp các ứng dụng phần mềm như Uber, Grab chính là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải. “Đây là một nội dung quan trọng mấu chốt để quản lý loại hình cung cấp dịch vụ này”, văn bản do Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh ký nêu rõ.

Lý do, theo Bộ Công thương, với quy định hiện hành chưa tính đến loại hình dịch vụ vận chuyển hành khách ký hợp đồng qua ứng dụng thương mại điện tử. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này coi mình chỉ là đơn vị cung ứng phần mềm. Điều này sẽ dẫn đến ba hệ quả khó quản lý và không công bằng.

Cụ thể, thứ nhất, vì chỉ được coi là đơn vị cung cấp phần mềm, các doanh nghiệp này không phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hành khách trong khi họ chính là đơn vị thu tiền dịch vụ của khách hàng.

Thứ hai, không chịu sự điều chỉnh của các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp này và dịch vụ truyền thống taxi, xe ôm.

Thứ ba, trường hợp doanh nghiệp thí điểm là doanh nghiệp ở nước ngoài thì việc cho phép hoạt động không phù hợp với cam kết của Việt Nam trong WTO (Việt Nam không cam kết dịch vụ vận tải qua biên giới), gây bất bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước.

Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương sửa văn bản quy định các doanh nghiệp thí điểm là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải kiểu mới, phải đáp ứng những yêu cầu nhất định về kinh doanh vận tải. Ngoài ra, việc cung cấp, quản lý các ứng dụng khoa học công nghệ kết nối vận tải như Uber, Grab hiện nay phải đáp ứng các quy định về thương mại điện tử.

Bộ Công thương cũng đề nghị cần nghiên cứu các biện pháp đảm bảo công bằng giữa dịch vụ mới và vận tải truyền thống, như dỡ bỏ, giảm thiểu các rào cản hoạt động của loại hình truyền thống (biện pháp cấm đường) nếu không sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa các loại hình.

Cũng liên quan đến nội dung góp ý này, các bộ: Tư pháp, Khoa học - Công nghệ và Công an nhất trí với việc tiếp tục thực hiện thí điểm quyết định 24 theo quy định, nhưng cũng đề nghị cần làm rõ và bổ sung các vấn đề pháp lý liên quan.

Trong đó, Bộ Khoa học - Công nghệ cho rằng, các Sở Giao thông vận tải các địa phương cần cung cấp đầy đủ số liệu về số lượng đơn vị vận tải, phương tiện đã tham gia đề án thí điểm, bổ sung đánh giá về tốc độ phát triển số lượng phương tiện cũng như ảnh hưởng, tác động tới ùn tắc giao thông tại các địa phương.

Ngoài ra, về biện pháp Sở Giao thông vận tải cho phép các tuyến đường cấm taxi có thêm biển cấm xe hợp đồng thí điểm, Bộ này cho rằng cần xem lại tính khả thi. Lý do, các xe thí điểm gắn phù hiệu, nhưng rất khó nhận biết từ xa, việc phát hiện sai phạm với các phương tiện khi đi vào tuyến phố có biển cấm là khó khăn.

Mai Hà

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.