Bộ Công Thương loay hoay xử lý đầu ra cho điện gió, điện mặt trời
Dự án điện mặt trời Dầu Tiếng 1
Với việc cho áp dụng giá điện mặt trời mua vào ở mức 9,23 cent/kWh (tương đương 2.100 đồng/kWh), nhiều dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận và Bình Thuận đã đua nhau nối lưới, khiến đường dây quá tải và phải giảm công suất huy động, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Bộ Công Thương cũng đang lúng túng trước sự việc này trong bối cảnh nhiều dự án được phê duyệt ồ ạt, vỡ quy hoạch.
Trăm sự khó, nhà đầu tư lo thiệt
Số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, chỉ tính trong hai tháng 5 và tháng 6/2019 đã có gần 90 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất trên 4.500 MW được hòa lưới điện quốc gia.
Số lượng dự án và công suất các nhà máy đi vào vận hành đã tăng hơn 5 lần so với tính toán trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Việc các dự án điện mặt trời ồ ạt hòa lưới điện để hưởng giá điện 2.156 đồng/kWh (tương đương 9,35 cent/kWh) theo Quyết định 11/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã gánh đỡ khá nhiều về công suất cho hệ thống điện quốc gia.
Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhiều chủ đầu tư các dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận, Bình Thuận gặp khó khăn vì không thể phát hết công suất do gặp tình trạng quá tải trong truyền tải của lưới điện.
Trước tình trạng tiến thoái lưỡng nan này, Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), A0 đã phải tổ chức hội nghị vận hành các nhà máy điện mặt trời và điện gió tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận cùng lãnh đạo các sở công thương và các cơ quan liên quan.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, tình trạng điện mặt trời phát triển nóng là nguyên nhân chính khiến lưới điện quá tải dù đã được cảnh báo từ cuối năm 2018.
Theo đại diện Bộ Công Thương, tính đến cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất đặt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia.
Riêng 2 trung tâm tập trung các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) nhiều là Ninh Thuận và Bình Thuận đã có tới 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời, với tổng công suất đặt 2.027 MW. Các số liệu tập hợp từ hồ sơ đăng ký của các chủ đầu tư cũng cho thấy, hai địa phương này sẽ tiếp tục quá tải các dự án điện vào tháng 12/2020 khi công suất điện gió và điện mặt trời ở 2 tỉnh này chạm ngưỡng 4.240 MW.
Số liệu của A0 cho thấy, dù hàng loạt dự án điện vào hoạt động, cung cấp nguồn điện lớn nhưng nhu cầu phụ tải của Ninh Thuận và Bình Thuận lại rất nhỏ. Tại Ninh Thuận từ nay đến tháng 12/2020, nhu cầu phụ tải chỉ dao động 100-115 MW, dư thừa 1.000-2.000 MW cần truyền tải.
Bình Thuận nhu cầu của địa phương chỉ 250-280 MW và công suất cần phải truyền tải lên tới 5.700 - 6.800 MW (tính cả các nguồn điện truyền thống). Nguồn cấp nhiều khiến hầu hết các trạm biến áp (TBA) 110-500 kV trên địa bàn hai tỉnh này đều quá tải. Trong đó, có những đường dây quá tải lên đến 360%.
Phải cắt giảm công suất phát
Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc A0 cho hay, ngay từ đầu, việc quá tải lưới điện đã được EVN và A0 cảnh báo tới các chủ đầu tư, rất công khai, minh bạch. Để xử lý tình trạng quá tải hệ thống lưới truyền tải, theo ông Cường, A0 phải cắt giảm công suất của các nhà máy điện gió, điện mặt trời ở một số thời điểm.
Việc tăng, giảm công suất các nhà máy NLTT đều được A0 thực hiện theo quy định bảo đảm tính công khai, minh bạch và kịp thời. Đặc biệt, A0 cũng ứng dụng phần mềm tự động điều chỉnh công suất các nhà máy NLTT nhằm duy trì trao lưu công suất trong ngưỡng cho phép.
Theo ông Cường, cắt giảm 60% công suất như một số chủ đầu tư nêu ra và đang được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ là con số ở một thời điểm nhất định. Nếu tính trung bình ngày, trong tháng 6 và tháng 7/2019, công suất cắt giảm chỉ dao động ở mức 30-35%.
Ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay, EVN xác định việc giải tỏa công suất các dự án NLTT là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Thời gian qua, Tập đoàn đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện.
Đồng thời, lãnh đạo EVN cũng đã làm việc với lãnh đạo các địa phương nhằm đẩy nhanh công tác GPMB cho các dự án. Tuy nhiên, hiện nhiều dự án giải tỏa công suất vẫn còn gặp khó khăn do các vướng mắc về thủ tục, GPMB...
Cũng theo ông Nhân, để triển khai một dự án điện mặt trời chỉ mất khoảng 6 tháng, thậm chí trong thời gian ngắn hơn. Có dự án cách đây 2 tháng mới chỉ là bãi đất trống, hiện đã đóng điện thành công. Trong khi đó, để thực hiện một dự án lưới điện truyền tải 220 kV, 500 Kv phải mất khoảng 3-5 năm.
Do đó, song song với nỗ lực tối đa của EVN, để triển khai nhanh nhất có thể các dự án giải tỏa công suất các nhà máy NLTT đang vận hành, ông Nhân bày tỏ mong muốn nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ từ chính quyền các địa phương và các chủ đầu tư.
Ngoài ra, để nhà máy điện mặt trời vận hành an toàn, tin cậy, EVN cũng đề nghị các chủ đầu tư hoàn thiện các tồn tại kĩ thuật và hoàn thành các thử nghiệm theo yêu cầu; khẩn trương đầu tư và lắp đặt hệ thống dự báo công suất phát các nguồn điện mặt trời và điện gió, truyền số liệu về cấp điều độ.
"EVN và A0 cũng mong muốn được phát hết công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo, bởi giá điện dù có đắt (2.086 đồng/kWh), nhưng vẫn rẻ hơn nhiệt điện dầu (đang có giá thành ở mức 3.000-5.000 đồng/kWh)" Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc A0
Đến 2020 mới tạm an tâm về việc giải tỏa công suất?
Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) ông Bùi Quốc Hùng cho biết, hiện tại tình trạng phát triển lưới điện truyền tải không theo kịp tiến độ đầu tư các dự án điện mặt trời.
Ông Hùng cho hay, để giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo, chủ yếu là điện mặt trời trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã có tờ trình Chính phủ bổ sung quy hoạch tổng sơ đồ điện 7 hiệu chỉnh, xây dựng các dự án lưới điện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, các trạm 500kV, đường dây 500kV, mạch kép và các đường dây 220kV, các nhánh rẽ... Theo đó, dự kiến sẽ có thêm nhiều công trình được đầu tư vào cuối 2019 và đầu năm 2020. Với các dự án này, hi vọng có thể cơ bản đáp ứng công suất các nhà máy điện mặt trời, điện gió trong những năm tới.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/