|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ Công Thương lí giải nguyên nhân giá thịt heo cao kỉ lục giữa lúc dịch bệnh khó khăn

19:34 | 05/05/2020
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, phải đến cuối năm 2020 thì nguồn cung thịt heo mới có thể khắc phục được tình trạng thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kì tháng 4/2020 diễn ra chiều 5/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề cập đến câu chuyện giá thịt heo tăng cao kỉ lục thời gian gần đây, đồng thời nhấn mạnh đến việc tái đàn và giá heo giống phi mã.

Liên quan đến việc bình ổn giá thị heo, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương khẩn trương triển khai việc nhập khẩu thịt heo đủ số lượng cần thiết để góp phần giảm giá thịt heo trong nước, không để ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tập trung chỉ đạo thực hiện biện pháp tái đàn mạnh mẽ trong bối cảnh thiếu nguồn cung như hiện nay. Trong đó, lưu ý việc công bố hết dịch ở những nơi đủ điều kiện, bảo đảm giống và giá thức ăn, đồng thời phải quản lí tốt đầu ra.

Buổi họp báo hôm nay vắng lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do đó,  Bộ trưởng Mai Tiến Dũng mời ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho ý kiến khi phóng viên đặt câu hỏi về việc có hay không sự khuất tất trong việc nhập khẩu thịt heo, trong khi giá thịt heo trong nước vẫn ở mức rất cao.

Thứ trướng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, báo chí có phản ánh nhiều về vấn đề giá thịt heo lên cao đã ảnh hưởng đến CPI và đời sống người dân nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19.

Theo ông Hải, sử dụng thịt heo là thói quen tiêu dùng của người dân, việc giá thịt heo tăng cao là do qui luật cung cầu. Hiện nay, nguồn thịt heo đang thiếu, lí do khách quan là dịch tả heo châu Phi đã ảnh hưởng lớn đến tổng đàn heo trên toàn quốc dù cơ bản đã dập được dịch

"Hiện nay trên toàn quốc nhiều tỉnh thành vẫn chưa công bố hết dịch, do đó nông dân chưa yên tâm tái đàn, trong khi đó nhiều hộ chăn nuôi đang gặp khó nguồn vốn và vấn đề con giống rất đắt hơn 3 triệu", Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đàn heo năm 2019 giảm 21% so với năm 2018, tuy nhiên báo cáo của địa phương thì con số này có thể hơn 50%. Trong đó, các doanh nghiệp lớn chiếm khoảng 35% thị phần, 65% còn lại thuộc về hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng đang gặp khó khăn khiến nguồn cung đang thiếu lại càng thêm thiếu.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, chỉ có hai cách để khắc phục đó là tập trung tái đàn heo và nhập khẩu thịt. 

Tuy nhiên, dù đã cố gắng nhưng không thể một lúc có thể khắc phục ngay được. Theo tính toán thì ít nhất phải đến cuối năm 2020 thì đàn heo cả nước mới có thể trở lại như trước khi có dịch.

“Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tập trung tái đàn, đồng thời, phối hợp với Bộ Công thương tăng cường nhập khẩu thịt heo. Chúng tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới, với sự cố gắng của các bộ ngành thì hy vọng từ nay đến cuối năm, giá thịt heo có thể bình ổn”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Về tình hình nhập khẩu thịt heo, ông Hải cho biết theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 4, Việt Nam mới nhập khẩu được 45.000 tấn thịt, so với con số 100.000 tấn lãnh đạo Chính phủ giao thì rõ ràng vẫn đang thiếu.

Hiện nay, Thủ tướng đã giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tập trung tái đàn, ngoài ra, phối hợp với Bộ Công thương và các bộ ngành để tăng cường nhập khẩu thịt heo.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Trần Quốc Phương cho biết người tiêu dùng Việt Nam không quen dùng heo nhập khẩu, do đó doanh nghiệp dè dặt nhập về. "Đây là khó khăn cản trở trực tiếp đến việc nhập khẩu hiện tại", ông Phương nói.

Như Huỳnh

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.