Bộ Công Thương đề xuất tăng vốn điều lệ EVN
|
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngành Công Thương, ngày 6/1, tại Hà Nội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất cơ chế đặc thù với EVN.
Nhận định tình hình thương mại toàn cầu năm 2017 sẽ cải thiện hơn năm trước. Đặc biệt, giá cả năng lượng và hàng hóa sẽ tăng trở lại và ổn định hơn. Do đó sẽ có tác động tích cực đối với công nghiệp và thương mại Việt Nam.
Bộ Công Thương đưa ra một số giải pháp để phát triển công nghiệp. Trong đó, đối với ngành điện, đặc biệt là hoạt động của EVN, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất Thủ tướng phê duyệt quyết định tăng vốn điều lệ của đơn vị này. Sau đợt điều chỉnh vốn điều lệ vào tháng 3/2015, vốn điều lệ của EVN ở mức 160.000 tỷ đồng. Cùng với Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2016 - 2020 và Chiến lược phát triển ngành Điện lực Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040.
Bộ cũng đưa ra đề nghị phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2017 - 2020 và Quyết định phê duyệt cơ chế đặc thù thực hiện các dự án điện cấp bách trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương xin ưu đãi thuế nhập khẩu đối với Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn theo cam kết của Chính phủ (GGU). Theo đó, hỗ trợ PVN thay mặt Chính phủ thực hiện cam kết ưu đãi thuế nhập khẩu sản phẩm cho Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn trong thời gian 10 năm sau ngày vận hành thương mại.
Dự án điện sử dụng khí Cá Voi Xanh được cho phép áp dụng cơ chế ưu đãi, đặc thù và đề xuất đưa vào danh mục các dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí.
Đối với ngành than, Bộ đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan rà soát các mức thuế, phí hiện đang áp dụng đối với ngành than để đề xuất điều chỉnh phù hợp.
Bộ trưởng Tuấn Anh cho rằng nên đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 0% và đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xem xét việc này.
Bộ cũng đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương đối với một số loại hình kết cấu hạ tầng ở vùng khó khăn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư. Cùng với đó, Chính phủ xem xét, thống nhất qui hoạch và cấp phép khu công nghiệp dệt may lớn từ 500 - 1.000 ha để kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước về sản xuất vải, sợi, nhuộm hoàn tất. Đồng thời, Bộ đề nghị hỗ trợ lãi vay khi doanh nghiệp đầu tư vào trung tâm xử lý nước thải ở các khu công nghiệp này.
Các quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty mẹ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng với quy định về trích lập Quỹ Tìm kiếm thăm dò dầu khí của PVN cũng được đề xuất xem xét ban hành.