|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ Công Thương đề xuất mức giá điện mặt trời mái nhà 8,38 UScent/kWh

11:17 | 03/01/2020
Chia sẻ
Mặc dù EVN kiến nghị tiếp tục giữ nguyên mức giá 9,35 cent/kwwh đến hết năm 2020 nhưng Bộ Công thương cho rằng mức giá khuyến khích phải hợp lí hơn để phù hợp với xu hướng giá công nghệ giảm và giảm áp lực lên giá điện bán lẻ.

Ngày 31/12, Bộ Công Thương có tờ trình Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

Theo nội dung hoàn chỉnh tại Dự thảo, dự án điện mặt trời nối lưới được áp dụng giá điện cố định tại biểu giá mua điện như sau:

"Dự án điện điện mặt trời nối lưới đã kí hợp đồng mua bán điện, đã và đang triển khai thi công xây dựng trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2019 được áp dụng biểu giá mua điện của các dự án điện mặt trời nối lưới tại điểm giao nhận điện được qui định tại phụ lục của qui định".

Về giá điện mặt trời mái nhà, theo báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), tính đến cuối tháng 11/2019 đã có 19.378 hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt trên toàn quốc, tổng công suất 318 MW, tập trung tại khu vực phía nam chiếm 73% tổng số hệ thống.

EVN cho rằng mức giá 9,35 cent/kWh đã ban hành từ năm 2017 đến nay mới chỉ khuyến khích đầu tư khoảng trên 300 MW, do vậy để tiếp tục khuyến khích đầu tư loại hình công nghệ này, EVN đề nghị tiếp tục giữ nguyên mức giá 9,35 cent/kWh đến hết năm 2020.

Tuy nhiên, tại Tờ trình Bộ Công Thương cho rằng để đảm bảo việc áp dụng cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà bền vững, phù hợp thực tế triển khai, mức giá khuyến khích cần hợp lí hơn để phục hợp với xu hướng giá công nghệ giảm và giảm sức ép tăng giá điện bán lẻ.

Do đó, Bộ Công Thương đề xuất lấy mức giá tại Vùng III, khu vực trung tâm vận tải lớn, là 8,38 UScent/kWh, tương ứng với khu vực khuyến khích đối với điện mặt trời nối lưới với mức giá tương đương 7,09 US cent/kWh.

Về tiêu chí các dự án điện mặt trời đã và đang triển khai thi công xây dựng, theo Bộ Công Thương đó là "các dự án đã có thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với thiết kế kĩ thuật (trong trường hợp dự án thiết kế theo 3 bước) hoặc thiết kế bản vẽ thi công (trong trường hớp dự án thiết kế theo 2 bước) tính đến ngày 23/11/2019".

Bộ Công thương xác định có 7 dự án với tổng công suất khoảng 320 MW đã kí Hợp đồng mua bán điện (PPA) và đáp ứng điều kiện cơ sở về sự án đã và đang triển khai thi công xây dựng trước ngày 23/11/2019.

Bộ Công Thương đề xuất mức giá điện mặt trời mái nhà 8,38 UScent/kWh - Ảnh 1.

Danh mục các dự án điện mặt trời đã PPA hoặc đã và đang thi công. Nguồn: Bộ Công Thương

Đối với các dự án chưa đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/7/2019, sau khi tổng hợp, Bộ Công Thương cho biết có 44 dự án thuộc các nhóm dự án đã được bổ sung qui hoạch, đã có chủ đầu tư dự án đã kí hợp đồng mua bán điện bao gồm, tổng công suất hơn 3.668 MW; 30 dự án tại Ninh Thuận, tổng công suất 1.933 MW và 22 dự án đã thẩm định hồ sơ bổ sung qui hoạch và báo cáo Thủ tướng

Theo ý kiến của EVN với kinh nghiệm thực tế, không phải 100% các dự án điện mặt trời đều có thể vào đúng tiến độ yêu cầu vì một lí do nào đó không lường trước, vì vậy trường hợp dự án điện mặt trời thuộc đối tượng hưởng giá cố định (FIT) mới hoặc thuộc các dự án tại Ninh Thuận được hưởng giá FIT trước đây chỉ vận hành thương mại một phần trước 31/12/2020.

Do đó, EVN đề nghị Bộ CÔng Thương xem xét các dự án này tiếp tục hưởng cơ chế giá FIT với một hệ số khấu trừ nhất định, ví dụ 5% cho mỗi quí bị chậm do không thể đưa một phần còn lại của dự án ra lựa chọn chủ đầu tư theo cơ chế đấu thầu.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, hiện có 7 dự án điện mặt trời đã kí PPA, đã và đang thi công với tổng công suất 320 MW, vì vậy, ít có khả năng xảy ra chậm tiến độ.

Việc bổ sung thêm trường hợp dự án vào chậm sau 2020 vẫn tiếp tục được hưởng cơ chế FIT có thể dẫn tới sự hiểu sau về định hướng chính sách, vì vậy Bộ Công Thương vẫn giữ nguyên nội dung như tại Dự thảo quyết định.

Như Huỳnh