Bộ Công Thương cần làm rõ kiến nghị giữ quy hoạch diện mặt trời đối với 24 dự án
Theo báo Đầu tư, văn phòng Chính phủ đã có văn bản 238 thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp ngày 7/8 về rà soát một số nội dung chuẩn bị cho cuộc họp Thường trực Chính phủ về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, gọi tắt là Quy hoạch điện VIII.
Các vấn đề được nhắc tới trong thông báo gồm việc Bộ Công thương đã hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch điện VIII bám sát các chỉ đạo, kết luận của Chính phủ và đã trình Thủ tướng Chính phủ, vấn đề tiếp theo là xây dựng Quy hoạch điện VIII với thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn tới năm 2050 thay cho tầm nhìn tới năm 2045 không ảnh hưởng tới kỳ quy hoạch 2021-2030 và bảo đảm tầm nhìn phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP26 đến năm 2050 đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.
Với điện mặt trời, theo thông báo, việc tiếp tục quy hoạch điện mặt trời tới năm 2030 sẽ gây ảnh hưởng về hiệu quả kinh tế và an ninh năng lượng.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện nay có 24 dự án điện mặt trời đã và đang triển khai ở các mức độ khác nhau (có chủ trương đầu tư, cấp đất, mua sắm thiết bị, đã lắp đặt), nếu loại bỏ những dự án này sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân khoảng 12.700 tỷ đồng và có rủi ro về mặt pháp lý.
Do vậy báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét việc giữ lại quy hoạch điện mặt trời tới năm 2030 là 2.428,42 MW của 24 dự án nói trên. Bộ Công Thương cần phân tích chi tiết theo nhóm các dự án trên (có chủ trương đầu tư, cấp đất, mua sắm thiết bị, đã lắp đặt).
Ngoài ra, trong thông báo 238 cho hay, trong Báo cáo, Tờ trình của Bộ Công thương cần so sánh Quy hoạch điện VIII trình Thường trực Chính phủ kỳ này với Quy hoạch điện VIII trình tháng 3/2021 với các nội dung tổng hợp quy hoạch nguồn, cơ cấu nguồn điện, phân bổ vùng miền về chi phí nguồn và lưới điện.
Với các vấn đề nêu trên, Bộ Công Thương được giao khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Thường trực Chính phủ trước ngày 11/8.