Bộ Công an: 'Làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng', thị trường chứng khoán, trái phiếu cũng tốt lên
Thông tin với báo chí tại họp báo Chính phủ chiều 5/1, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong năm 2023 được coi là điểm sáng.
Bộ Công an luôn theo chủ trương "làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực" trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, triệt để thu hồi tài sản cho Nhà nước, nhân dân.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, quá trình theo dõi các vụ án cho thấy việc "làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng". Như thao túng thị trường chứng khoán là FLC, thao túng trái phiếu là vụ Tân Hoàng Minh, thao túng ngân hàng vụ SCB, thao túng chính sách là vụ đăng kiểm, sai phạm liên quan xăng dầu là vụ Xuyên Việt Oil vừa qua, về tài nguyên khoáng sản là vụ ở An Giang. Rõ ràng, qua các vụ án này, những người nào có ý đồ, tiếp tục thao túng thì sẽ chùn bước.
"Trong năm qua, qua các vụ án 'làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng', thị trường chứng khoán, trái phiếu cũng tốt lên", ông nói.
Liên quan đến vụ ông Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc thao túng chứng khoán, thông tin mới nhất ngày 26/12/2023, VKSND Tối cao trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung vụ án cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thao túng chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, ngày 28/10/2023, cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng hai em gái Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế và bà Hương Trần Kiều Dung (cựu phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC), Nguyễn Quỳnh Anh (cựu tổng giám đốc Công ty Cổ phần chứng khoán BOS) và 15 người bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đề nghị truy tố về tội Thao túng thị trường chứng khoán.
Riêng ông Quyết cùng bà Thúy Nga, Minh Huế, Kiều Dung và Nguyễn Thiện Phú (cựu phó tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng FLC Faros) bị đề nghị thêm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Về vụ án ở Tân Hoàng Minh, ngày 21/11/2023, ông Đỗ Anh Dũng cùng con trai Đỗ Hoàng Việt (Phó Tổng Giám đốc Tân Hoàng Minh) và 13 người bị VKSND Tối cao truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4 điều 174 Bộ luật Hình sự.
Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng thông tin về kết quả xử lý, giải quyết vướng mắc đối với thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán.
Cụ thể, đến hết năm 2023, có 81 doanh nghiệp phát hành với khối lượng là 269,.500 tỷ đồng. Các doanh nghiệp cũng bố trí nguồn lực thanh toán trái phiếu đến hạn và đàm phán với các nhà đầu tư khi tái cơ cấu và gia hạn trái phiếu giảm áp lực trả nợ gốc và lãi trái phiếu.
Theo đó, khối lượng mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn của năm 2023 cũng là 238.000 tỷ đồng và trái phiếu có hạn cũng đã gần 40%.
Về cơ cấu, nhà đầu tư, tổ chức tham gia vào thị trường sơ cấp mua trái phiếu năm 2023 chiếm đến 92,4% và nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm khoảng 7,6 % thị trường trái phiếu sơ cấp. Theo Thứ trưởng, đây là sự thay đổi rất lớn trong cách thức tiếp cận thị trường, kể cả tổ chức phát hành cũng như nhà đầu tư.
Về thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index đến 29/12 là 1.129 điểm, tăng 12% so với cuối năm 2022, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu đạt là 17.500 tỷ đồng một phiên và quy mô vốn hóa thị trường ước đạt 6.000.000 tỷ và tăng 9,5% so với năm 2022, tương đương vào khoảng 62% GDP năm 2022.
Thị trường chứng khoán phái sinh duy trì ổn định khối lượng giao dịch bình quân 263.000 hợp đồng/phiên. Số các nhà đầu tư mới, đăng ký mở mới trong năm 2023 là 355.000 tài khoản và đưa tổng tài khoản của các nhà đầu tư chứng khoán hiện nay lên trên 7.000.000 tài khoản.