Bộ Công an đề xuất cơ sở pháp lý cho sàn giao dịch dữ liệu
Chiều 7/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9.
Tại cuộc họp, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Người phát ngôn Bộ Công an, cho biết, Luật Căn cước đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, diễn ra ngày 27/11/2023 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Trong đó, Luật Căn cước không chỉ đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước mà đổi cả cấu trúc nội dung thẻ, như: bỏ các thông tin về quê quán, vân tay; bổ sung đối tượng cấp căn cước, bao gồm cả trẻ em; bổ sung các đặc điểm sinh trắc học như ADN, giọng nói….
Để triển khai luật này, Bộ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; phối hợp các Bộ, ngành rà soát các văn bản khác nhau có liên quan đến việc sửa đổi. Cùng với đó, chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở dữ liệu, kết nối thông tin, cả những phần mềm công cụ để lấy mống mắt, ADN,... để đảm bảo việc thu thập sinh trắc học.
Nhằm đẩy mạnh công tác triển khai Luật Căn cước, tháng 7 vừa qua, Bộ Công an đã phát động tháng cao điểm trên toàn quốc. Về kết quả thực hiện, đại diện Bộ Công an cho hay, từ ngày 1/7 - 7/10, Bộ Công an đã cấp hơn 9,58 triệu thẻ căn cước.
Trong đó, có hơn 3,17 triệu thẻ cho trẻ em dưới 6 tuổi, gần 4,03 triệu thẻ cho trẻ em từ đủ 6 tuổi - 14 tuổi và 2,38 triệu thẻ cho người từ đủ 14 tuổi trở lên trên toàn quốc. Đồng thời, Bộ đã thu nhập hơn 1.500 dữ liệu giọng nói, hơn 260 mẫu ADN.
Theo đánh giá của Bộ Công an, công tác triển khai Luật Căn cước cơ bản diễn ra thuận lợi, nhận được sự quan tâm lớn của các cấp, ngành, đảm bảo tiến độ, hiệu quả.
Sàn giao dịch dữ liệu sẽ đưa kinh tế số Việt Nam hội nhập với thế giới
Đối với câu hỏi về việc Bộ Công an đã đề xuất lập sàn giao dịch dữ liệu khi xây dựng Luật Dữ liệu, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho hay, đây là việc nhằm quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dữ liệu, phục vụ công tác quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Qua đó tạo sự đồng bộ, thống nhất và sử dụng hiệu quả những dữ liệu đã có.
Đồng thời, việc này cũng nhằm cải cách dữ liệu số, cải cách thủ tục hành chính, góp phần đưa kinh tế số của Việt Nam phát triển, theo kịp và hội nhập với thế giới.
Đối với quy định về thành lập Sàn giao dịch dữ liệu, ông Tuyên cho biết, hiện nay, trên thế giới có rất nhiều sản phẩm dữ liệu được phát triển với xu hướng ngày càng mở rộng, gắn với các ngành kinh tế và gắn với hoạt động và xã hội như: Sàn giao dịch dữ liệu dịch vụ trung gian dữ liệu, dịch vụ nhân phân tích, tổng hợp dữ liệu…
Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện vẫn chưa có cơ sở pháp lý nào đối với các hoạt động này. Do vậy, Bộ Công an đã đề xuất bổ sung quy định về việc xây dựng sàn dữ liệu để góp phần xác lập thị trường dữ liệu, đẩy mạnh phát triển sản phẩm và dịch vụ liên quan đến dữ liệu, thúc đẩy phát triển chuyển đổi số trong ngành kinh tế, chuyển đổi phương thức giao tiếp giữa cơ quan Nhà nước với tổ chức, cá nhân và các quan hệ xã hội trên môi trường số…
Người phát ngôn Bộ Công an nhấn mạnh, đây là quy định mới và lần đầu tiên được quy định, cần có cơ chế điều chỉnh linh hoạt. Trong quá trình xem xét, nghiên cứu đề xuất của Bộ Công an, Chính phủ đã thống nhất theo định hướng không quy định cụ thể trong luật mà giao Chính phủ đưa ra những quy định cụ thể thể để có thể chính thức thực hiện sàn giao dịch.